Sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quan tâm
Các khách mời tham dự Tọa đàm. (Ảnh: KT) |
Tham dự Tọa đàm có: ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Người dân quan tâm tới quyền con người, quyền cơ bản của công dân
Thông tin tại cuộc Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà còn qua các cơ quan nhà nước khác. Đó là một nội dung rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong dự thảo. Bên cạnh đó, nội dung khác rất mới, quan trọng là phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân.
Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin, qua trang duthaohienphaponline của Quốc hội, đến nay, đã nhận được 630 ý kiến tham gia đóng góp vào 97/127 điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến tập trung vào chế độ chính trị, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Trong đó, về quyền và nghĩa vụ của công dân đã nhận được 153 ý kiến góp ý. Hiện đã có trên 40 địa phương gửi về Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế hoạch triển khai lấy ý kiến tại các địa phương, thành lập ban chỉ đạo ở địa phương. “Nếu so sánh với những lần tham gia ý kiến trước, tôi cho rằng, sự tham gia của nhân dân rất tích cực. Và hiện các địa phương không chỉ triển khai ở cấp tỉnh mà đã tới cấp huyện, thậm chí huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã triển khai đến 118 thôn, 11 xã, thị trấn trên địa bàn. Như vậy, công tác triển khai rất sâu rộng.” – ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, nước ta đã có nhiều lần sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, lần này quy mô, từng bước đi có điểm khác, đặc biệt đội ngũ chuyên gia luật rất hùng hậu nên có nhiều bản tham luận, bài viết, ý kiến có chất lượng.
Lấy ý kiến nhân dân không phải là việc mang tính hình thức
Về ý kiến cho rằng, việc đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần trình độ nhất định, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, trong 60 năm qua, nhân dân đều tham gia đóng góp ý kiến vào các bản Hiến pháp. Theo ông, việc góp ý cũng cần trình độ nhất định, nhưng cũng không đòi hỏi quá cao. Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đã có những sửa đổi rất cụ thể. Ông tin tưởng rằng, người dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến tích cực vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.
Cũng về vấn đề này, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 cho biết: Lần sửa đổi này có một ý nghĩa lớn là tư duy về Hiến pháp, xem đây là đạo luật cơ bản, tức là tất cả các quy định đều có giá trị pháp lý và buộc phải thực hiện. Trong khi đó, trước đây nhiều điều còn mang tính tuyên ngôn, gửi gắm nhiều điều mang tính nguyện vọng. Do đó, khi người dân góp ý thì không nên nghĩ đây là việc của chuyên gia, mà đã là đạo luật gốc thì sẽ quyết định các quyết sách lớn của quốc gia, ai cũng có thể đóng góp.
Ông Hoàng Thế Liên tin rằng, với cách thức tổ chức của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, huy động toàn bộ lực lượng xã hội, trong đó có vai trò rất lớn của truyền thông, thì đợt lấy ý kiến sẽ thiết thực, tránh tính hình thức.
Còn ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, nếu chúng ta tổ chức hình thức, tổng hợp không đầy đủ, tiếp thu hình thức thì không đúng yêu cầu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, cũng không đáp ứng yêu cầu của người dân.
Ông cũng khẳng định, tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không hình thức từ hai phía. Cụ thể, một phía là cách thức tổ chức sâu rộng, lắng nghe ý kiến người dân và nghiên cứu, tiếp thu. Còn về phía người dân, với tính tích cực, tinh thần công dân, người dân sẽ không tham gia một cách hình thức nếu Hiến pháp không đưa ra những quy định chung chung, trừu tượng./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN