Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tạo được sự thống nhất cao
Đại tướng Trần Đại Quang trao đổi cùng các đại biểu dự Hội nghị đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình |
Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan, căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp, tạo được sự thống nhất cao, phù hợp với tình hình mới.
Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, cần tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của nhân dân để nghiên cứu, hoàn chỉnh nhằm xây dựng bản Hiến pháp của Nhà nước ta thực sự là một bộ luật gốc thể hiện đúng bản chất Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do dân và vì dân.
Tính đến ngày 9/3, đã có 51/71 cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Ban Chỉ đạo tỉnh (với 6.510 ý kiến góp ý). Nhìn chung, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, có chất lượng, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của tổ chức, công dân trong hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền. |
Sau khi chia bốn tổ thảo luận kết hợp với đóng góp ý kiến trực tiếp tại hội trường, các đại biểu khẳng định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển đất nước hiện nay cũng như lâu dài, giải quyết được cơ bản những vấn đề vướng mắc, bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đại biểu Quách Cương, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND huyện Nho Quan, khẳng định 83 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân Việt Nam đã tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và giành được những thắng lợi vẻ vang. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội chính là sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Để thực hiện được điều này đòi hỏi tổ chức Đảng và đảng viên phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được hiến định chính là cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của Đảng trước toàn dân tộc.
Với các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc.
Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, các ý kiến đều khẳng định quy định như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và nhân dân.
Bản chất quân đội kiểu mới thể hiện rõ nét ở sự thống nhất hữu cơ tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị - xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cũng tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến kỹ thuật lập hiến, bố cục Hiến pháp, quốc kỳ, quốc ca, nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước, quyền công dân, thể chế kinh tế, sở hữu về đất đai, bảo vệ Tổ quốc…
Theo Chinhphu.vn