Sự kiện Donald Trump đắc cử phủ bóng đen lên COP22
Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22), được tổ chức tại Marrakech (Maroc) từ 7-18/11, là hội nghị đầu tiên thảo luận về việc cụ thể hóa và triển khai Thỏa thuận COP21-Paris, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/11 do đã vượt ngưỡng quy định, được 97 quốc gia thành viên, chiếm 69% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phê chuẩn.
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đang tác động tiêu cực đến bầu không khí của Hội nghị COP22.
Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (Ảnh: Reuters). |
Nguy cơ Mỹ rút khỏi Thỏa thuận
Việc Thỏa thuận COP21-Paris được thông qua có vai trò tác động rất lớn của Mỹ, một trong 2 nước có lượng khí thải CO2 cao nhất thế giới.
Khác với thái độ tiêu cực tại các hội nghị COP trước đây, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã có sự thay đổi lớn. Trước khi diễn ra Hội nghị COP21 tại Paris (Pháp), ngày 3/8/2015, ông Barack Obama đã công bố một kế hoạch táo bạo mang tên "Clean Power" từ nay đến năm 2030 giảm 32% khí thải CO2, cao hơn cam kết đưa ra trước đó là từ 26-28%. Và tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 9/2016 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Mỹ đã tuyên bố phê chuẩn Thỏa thuận COP21. Đây là một sự kiện bất ngờ, mang ý nghĩa lớn thúc đẩy tiến trình phê chuẩn của các nước, sớm đưa Thỏa thuận COP21 có hiệu lực.
Tin ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (8/11) như một "gáo nước lạnh" dội xuống Hội nghị COP22. Bởi khác với Barack Obama, ông Donald Trump là người phản đối chương trình giảm khí thải CO2 của Mỹ, đồng thời cảnh báo dừng tất cả quĩ hỗ trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc trong các tuyên bố tranh cử.
Mặc dù đã phê chuẩn Thỏa thuận COP21-Paris, nhưng theo quy định, nước Mỹ còn những 4 năm để rút lại cam kết, và ông Donald Trump hoàn toàn có đủ thời gian để thực hiện ý định của mình.
Donald Trump trước những áp lực
Mặc dù vậy, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đứng trước những áp lực buộc ông phải cân nhắc trước quyết định rút khỏi Thỏa thuận COP21-Paris như đã tuyên bố.
Trước hết là áp lực từ Liên Hợp Quốc, người chủ trì chương trình này. Ngày 13/11, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về biến đối khí hậu Mary Robinson cảnh báo, Mỹ sẽ trở thành một quốc gia không có uy tín nếu rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ là nước giầu nhất, đồng thời là một trong những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, nếu Mỹ lựa chọn rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì đây sẽ là hành động thiếu trách nhiệm. Điều này sẽ khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai, các quốc gia đang phát triển không nhận được đủ sự hỗ trợ tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu.
Trong đợt huy động đầu tiên vào năm 2014, Quĩ khí hậu Xanh đã nhận được cam kết của nước giàu, đóng góp khoảng 10 tỉ USD, trong đó có khoảng 3 tỉ USD từ Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện chỉ mới đóng góp được 500 triệu USD và tân Tổng thống Donald Trump có thể sẽ từ chối khoản đóng góp còn lại.
Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal, người phụ trách COP21-Paris, cho rằng, việc nước Mỹ rút khỏi sự hợp tác về chống biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Hội nghị COP 21 (Ảnh: Getty). |
Một sức ép khác là từ phía Trung Quốc. Với tư cách là 2 nền kinh tế lớn nhất, nhưng cũng là 2 nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc dường như có sự cạnh tranh uy tín quốc tế khi đã đưa ra các cam kết tích cực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và cùng tuyên bố phê chuẩn Thỏa thuận COP21-Paris nhân dịp Hội nghị G20 hồi đầu tháng 9 vừa qua. Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận COP21-Paris, trong khi Trung Quốc tiếp tục duy trì sẽ là sự tổn thương lớn và khó chấp nhận với nước Mỹ.
Phát biểu tại Hội nghị COP22, Trưởng đoàn đàm phán về khí hậu Trung Quốc khẳng định nước này sẽ duy trì cam kết, và cảnh báo nếu chính quyền Mỹ đi ngược lại các cam kết, họ "sẽ không được dân chúng ủng hộ, và nền kinh tế và tiến bộ xã hội của đất nước cũng bị ảnh hưởng".
Theo lãnh đạo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Pháp, phản ứng của Trung Quốc sẽ là rất quan trọng. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các cam kết sẽ là một "tín hiệu rất mạnh".
Sức ép cũng đến từ bản thân nước Mỹ. Nhiều tiểu bang của nước này đã rất dứt khoát đi theo con đường chuyển đổi sang năng lượng Xanh, đi đầu là California, với cam kết 50% năng lượng Xanh vào năm 2030. Nhiều hiệp hội tại Mỹ, như 350.org, tuyên bố sẽ "cương quyết hành động để bảo vệ các thành tựu trong lĩnh vực này, và sẽ tiếp tục có các biện pháp táo bạo khác".
Phát biểu khi đang ở thăm New Zealand trước khi đến Morocco để tham gia COP22, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, đến ngày 20 tháng 1 tới, chính quyền hiện nay mới kết thúc nhiệm kì và trong thời gian còn lại sẽ nỗ lực làm mọi điều để góp phần duy trì những cam kết với COP21-Paris. Ông hi vọng có sự khác biệt giữa tuyên bố trong giai đoạn tranh cử và khi ông Donald Trump chính thức lên nắm quyền.
Trước sức ép quốc tế và trong nước, có thể tân Tổng thống Mỹ Trump không quyết định rút ngay khỏi Thỏa thuận COP21-Paris, nhưng sẽ khai thác tính không ràng buộc của thỏa thuận này để trì hoãn việc thực hiện các cam kết, cắt giảm các khoản đóng góp. Điều đó tác động tiêu cực đến loạt nước khác có lượng khí thải lớn, nhưng còn giữ thái độ lưỡng lự như Nga, Ấn Độ, Brazil.../.