SGK lịch sử mới nên đưa đầy đủ hơn về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam
Hội thảo này có sự tham dự của rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia hàng đầu về lịch sử tại Việt Nam như GS. NGND Phan Huy Lê, GS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TPHCM, PGS.TS Đinh Quang Hải, nhà sử học Dương Trung Quốc…
Hội thảo về "Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam" diễn ra tại trường ĐH KHXH&NV TPHCM thu hút nhiều nhà sử học có tiếng tham dự |
Trong tham luận của mình, Ths Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng cần đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa (SGK) Lịch sử mới để cho giáo viên, học sinh hiểu một cách khái quát về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, ý nghĩa, bài học từ cuộc chiến tranh ấy.
Theo ông Hiếu, với một cấu trúc về nội dung, hàm lượng kiến thức, số lượng ký tự được SGK hiện hành trình bày thì cả giáo viên lẫn học sinh không thể hiểu bản chất về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
“Trong khi đó, sự bùng nổ công nghệ thông tin của thời đại 4.0 qua báo mạng, các trang mạng xã hội và Google gần như đã có tất cả, có cả thông tin chính xác và cũng cả nhiều thông tin bịa đặt. Học sinh bấy giờ luôn có sẵn những phương tiện để có thể cập nhật từng phút, từng ngày nhiều thông tin, đặc biệt là những thông tin bóp méo sự thật, bôi nhọ chế độ, xuyên tạc nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử từ rất nhiều trang, kênh thông tin không có kiểm chứng, kiểm duyệt của các cơ quan hữu quan của nhà nước. Vì vậy, việc đưa vào SGK lịch sử mới nội dung sâu, rộng về cuộc chiến tranh này là điều cần thiết và vô cùng quan trọng”, ông Hiếu chia sẻ.
Ths Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) phát biểu tại hội thảo |
Góp ý thêm về trách nhiệm của giáo viên dạy lịch sử phổ thông, ông Hiếu cũng cho rằng giáo viên Sử phải cung cấp cho học trò những kiến thức căn bản nhất trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử chứ không phải đào sâu thêm hận thù của quá khứ để tái sinh hận thù cho tương lai.
TS Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng cũng đồng quan điểm này. Ông Lý cho rằng: “Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn đưa nội dung này một cách đầy đủ, cụ thể vào chương trình SGK. Bởi lịch sử cần rõ ràng, khoa học, đầy đủ, không nên né tránh. Trong khi hiện nay học sinh đều có thể tiếp xúc hằng ngày với internet, các thế lực thù địch cũng lợi dụng điều này và có những bài viết xuyên tạc về cuộc chiến tranh nói trên. Vì vậy chúng ta phải định hướng cho học sinh hiểu sâu, hiểu kỹ và giúp các em trân trọng lịch sử, biết ơn những người đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã bàn luận về các vấn đề để hiểu sâu hơn, về bối cảnh, nguyên nhân, diễn biến của cuộc chiến tranh và những bài học kinh nghiệm, cũng như ý nghĩa, tác động của cuộc chiến ở biên giới Tây Nam…