Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ tặng Nga món quà bất ngờ?
Sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhằm vào Iran. Cả những đồng minh châu Âu của Mỹ cũng không nằm ngoài vòng trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran.
Trái lại, với Tổng thống Nga Putin, trừng phạt của Mỹ với Iran giúp giá dầu tăng, vốn là nguồn thu “xương sống” cho nền kinh tế Nga.
Cái bắt tay của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam, năm 2017. Ảnh: Reuters |
Giá dầu tăng-Món quà bất ngờ cho Nga
Những con số là bằng chứng cụ thể và hữu hình nhất cho thấy tổn thất của Nga sau nhiều năm bị Mỹ và châu Âu trừng phạt kinh tế hà khắc đã được bù đắp. Một năm trước đây, giá dầu thô Brent dao động trong khoảng 46-51 USD/thùng. Mức giá này hôm 15/5 vừa qua đã tăng lên 78 USD/thùng, tăng gần 60% vào đúng thời điểm Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga.
Trong 2 tháng gần đây, giá dầu thô đã tăng khoảng 10 USD, khi thị trường dầu thế giới có phản ứng trước thông tin Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại những lệnh trừng phạt kinh tế với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Nga sản xuất gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, đồng nghĩa với việc Nga kiếm thêm 110 triệu USD mỗi ngày và 40 tỷ USD mỗi năm.
Cùng với đó, Tổng thống Putin đã tiến hành đa dạng hóa thị trường xuất khẩu dầu thô của Nga. Trong đó, tháng 1/2018, đường ống dẫn dầu thứ 2 từ Nga tới Trung Quốc đã hoàn thành, với dự tính tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc lên 30 triệu tấn thông qua hệ thống đường ống dẫn dầu nối giữa 2 nước.
Theo các nhà quan sát, lo ngại của thị trường trước những lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ nhằm vào Iran không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới giá dầu. Việc Venezuela giảm sản lượng dầu thô trước đó cũng là một phần quan trọng. Song tuyên bố của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran lại mang đến món “quà bất ngờ”.
Quyết định này của Tổng thống Trump không nhận được sự đồng tình từ các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có Nga. Nhưng không ít ý kiến nói rằng, Tổng thống Putin đang hưởng lợi từ “chủ nghĩa đơn phương” của người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Mỹ áp thuế, Nga cải thiện thị trường
Tổng thống Nga Putin có lẽ phải vui mừng vì thực tế rằng người đồng cấp Mỹ Donald Trump đang gây “hỗn loạn” trong nội bộ nước Mỹ, cũng như gây chia rẽ sâu sắc với các đồng minh tại khắp châu Âu.
Nhìn vào thực tế, Tổng thống Trump trước đó đã đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), giúp Trung Quốc gia tăng “quyền lực” một cách hiệu quả tại khu vực. Là nước duy nhất rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ còn tiếp tục gây sóng gió với các đồng minh thân cận nhất bằng hàng loạt hàng rào thuế quan.
Những biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn còn nhắm vào Nga, song Điện Kremlin đến nay đã trau dồi đủ những chiến thuật để đối phó với bất cứ tình huống nào và áp dụng ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Khó có thể xác định chính xác những tác động vĩ mô hiện nay từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế Nga. Ba ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank, VTB và Gazprombank đã phát huy hiệu quả trong giao dịch đa quốc gia, còn 3 tập đoàn dầu khí lớn là Rosneft, Novatek và Transneft đã giảm đáng kể nợ nần và trở nên ít phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga, nợ nước ngoài của các tập đoàn Nga đã giảm 11,1 tỷ USD trong năm 2016 và 15,2 tỷ USD năm 2017.
Trong khi đó, các nhà đầu tư chứng khoán Nga cũng nhận phần thưởng xứng đáng trong tháng qua, khi chỉ số RTS tăng hơn 10%, từ mức 1.085 điểm trong ngày 16/4 lên 1.194 điểm vào ngày 11/5.
Một điều không thể phủ nhận nữa là việc các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục thu về lợi nhuận và thấy rõ sự hấp dẫn khi làm ăn tại Nga. Đầu tư trực tiếp của Đức vào Nga đã tăng vọt lên 1,08 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2017, mức tăng này gấp 4 lần so với cả năm 2016. Các khoản đầu tư của Pháp cũng tăng từ 438 triệu USD năm 2016 lên 524 triệu USD năm 2017.
Những con số biết nói này đã chứng minh một môi trường đầu tư được cải thiện tại Nga. Theo bảng Chỉ số dễ làm ăn kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường Nga đã vươn lên vị trí thứ 35 so với xếp hạng thứ 92/190 nước của năm 2014.
Đây là thời điểm để Tổng thống Putin nâng tầm uy tín sau khi tái đắc cử vang dội trong cuộc bầu cử hôm 18/3, và ông Putin sẽ lấy lại những gì nước Nga đã mất vì trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây trong nhiều năm qua liên quan đến khủng hoảng Ukraine./.