Quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi
Trong các buổi thảo luận lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi, một vấn đề cũng được nhiều nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm là việc thống nhất quyền lực của cơ quan Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.
Nền tảng của quyền lực Nhà nước là khối đại đoàn kết toàn dân (ảnh: KT) |
Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như trong Điều 2, Chương I Dự thảo sửa đổi Hiến pháp “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế thời đại.
Tăng sự giám sát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước
Theo các đại biểu, mục tiêu cuối cùng của thống nhất quyền lực nhà nước là phục vụ nhân dân. Đây là tính ưu việt tuyệt đối Hiến pháp Việt Nam do thiết chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước đem lại. Hiến pháp Việt Nam cấu trúc cả một chương “Chế độ chính trị”. Tại đây, bất cứ một điều nào cũng phản ánh đầy đủ, đúng nghĩa “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Từ Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị, xã hội… với chức năng, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều nằm trong nội hàm nhân dân, hướng tâm duy nhất là phục vụ nhân dân. Mọi việc đều nhằm thực hiện “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” chứ không phải để phân tách và làm phân rã quyền lực của nhân dân, càng không để lập pháp vị lập pháp, hành pháp vị hành pháp và tư pháp vị tư pháp như các thể chế tam quyền phân lập.
Đồng thời, yếu tố “kiểm soát” đã được thể hiện rõ trong Dự thảo Hiến pháp. Yếu tố “kiểm soát” ở đây không phải là sự “kìm chế, đối trọng” mà nó tăng sự giám sát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước.
Thạc sĩ Trần Tuyết Nhung, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, Dự thảo Hiến pháp đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nội dung này được thể hiện rõ trong Điều 2 của dự thảo Hiến pháp “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Thực chất 3 quyền này, đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng chưa quy định rõ cơ quan nào là cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã quy định rõ: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp và Tòa án là cơ quan tư pháp.
Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật |
Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu băn khoăn: “Điều 2 quy định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng tại Điều 74 Dự thảo lại quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nghiên cứu các điều tiếp theo trong dự thảo tôi thấy sự phân công giữa các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp không rõ ràng. Cùng với đó, Hiến pháp sửa đổi không có quy định cụ thể về việc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Nền tảng của quyền lực Nhà nước là khối đại đoàn kết toàn dân
Còn theo ông Lương Anh Tế, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương, Điều 2 dự thảo Hiến pháp nêu rằng “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Đây là nội dung đã được nêu ở những bản Hiến pháp trước và vẫn giữ nguyên trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này.
Ông Tế cho rằng, nên quy định “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bởi liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là một khái niệm trừu tượng, khối đại đoàn kết do MTTQ Việt Nam đã và đang xây dựng là một khái niệm, một tổ chức cụ thể hơn.
Cùng với đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, có nội hàm rộng và đầy đủ hơn, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức thì chưa bao hàm hết các tầng lớp nhân dân. Ông Tế lấy dẫn chứng rằng, một người chủ doanh nghiệp tư nhân không được đào tạo thì không phải là trí thức, không phải là công nhân cũng không phải là nông dân, vậy họ đứng ở đâu và còn nhiều đối tượng khác.
Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương |
Cũng đồng tình với quan điểm của ông Tế, ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An cũng cho rằng, ngoài thành phần giai cấp là công nhân, nông dân và trí thức, Việt Nam còn nhiều thành phần xã hội khác. Vì thế để Hiến pháp sửa đổi được chặt chẽ và đầy đủ, Điều 2 nên bổ sung thành “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương cũng cho rằng, Điều 2 dự thảo Hiến pháp khẳng định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” là đúng vai trò, ý chí của nhân dân ta.
Tuy nhiên, theo ông Que, việc xác định nền tảng quyền lực Nhà nước của nhân dân là liên minh giai cấp như dự thảo thì không phù hợp với tình hình mới, các giai cấp có thể luôn biến động, nền tảng quyền lực của nhân dân sẽ không vững mạnh “Bác Hồ đã khẳng định “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, nhân dân là quý nhất và quan trọng nhất. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Nhân dân Việt Nam là con Lạc, cháu Hồng”. Do đó, tôi đề nghị thay “liên minh giai cấp” bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Quyền lực nhà nước của nhân dân chỉ có thể được xác lập và phát triển bền vững nếu lấy khối đại đoàn kết làm nền tảng”./.
Theo VOV