Quan hệ nồng ấm, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chia rẽ về tương lai của Syria
Ngày 10/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm đầu tiên tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau khi quan hệ hai nước lâm vào trạng thái khủng hoảng xuất phát từ việc chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga tại khu vực biên giới với Syria tháng 11/2015.
Cuộc gặp giữa ông Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Istanbul vừa qua đã cho thấy thiện chí hòa giải giữa hai bên cho dù vẫn còn đó những bất đồng về chính trị.
Các nhà quan sát cho rằng, dù quan hệ hai bên đã có những dấu hiệu nồng ấm trở lại trong thời gian gần đây, tuy nhiên những khác biệt quan điểm về Syria sẽ tiếp tục ngăn cản Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Istanbul. Ảnh: AFP |
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và những giấc mơ về đường ống
Trong chuyến thăm vừa qua tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận giữa hai nước, trong đó quan trọng nhất là thỏa thuận hợp tác liên chính phủ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Sau sự cố máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ năm ngoái, ít người tin rằng hai nước sẽ thúc đẩy việc thực hiện dự án đầy tham vọng này. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, chủ nghĩa thực dụng của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã mạnh hơn sự “mất lòng tin” hiện có giữa hai nước.
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác liên chính phủ là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Thỏa thuận này đặt ra thời hạn cụ thể trong việc xây dựng và hoàn thành các tuyến đường ống dẫn khí đốt của dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, cũng như chia sẻ trách nhiệm của mỗi bên trong việc hoàn thành nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt.
Theo các nhà phân tích, trên thực tế Nga đã đạt được mục tiêu của mình. Việc ký kết dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (bao gồm 2 nhánh đường ống, 1 nhánh cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, 1 cung cấp cho thị trường châu Âu) có thể coi là một thành tựu lớn. Điều này giúp giảm đáng kể vai trò của Ukraine là một "quốc gia quá cảnh" cho nguồn khí đốt của Nga, đặc biệt trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở miền Đông Ukraine; đồng thời biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm kiểm soát việc xuất khẩu năng lượng của Nga vào EU.
Ankara cũng đã đàm phán để giảm giá đáng kể trong việc nhập khẩu khí đốt từ Nga. Mặc dù con số cụ thể không được công bố nhưng nếu xét về sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào nguồn cung khí đốt từ Nga [ 60% nhu cầu về khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ do Nga cung cấp], mức chiết khấu này có thể là một con số khá đáng kể.
Một thỏa thuận quan trọng khác được ký kết trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua của ông Putin là hai bên nhất trí khôi phục các cuộc họp hàng năm trong khuôn khổ Hội đồng hợp tác cấp cao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khuôn khổ hợp tác này, hàng năm hai bên tổ chức 2 cuộc họp (bắt đầu từ năm 2010) nhằm giải quyết tất cả những vấn đề cấp bách trong quan hệ song phương. Trên thực tế, Mỹ đã công khai bày tỏ quan ngại về một “liên minh chiến lược” giữa Moscow và Ankara.
Bên cạnh các thỏa thuận trên, Moscow cũng đồng ý tiếp tục xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở Akkuyu và dỡ bỏ cấm vận đối với trái cây nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên lệnh cấm nhập khẩu rau vẫn tiếp tục được duy trì.
Các thỏa thuận hợp tác về quân sự và không gian giữa hai nước cũng được ký kết dù không “có nhiều đất” để hai bên triển khai các thỏa thuận này do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thuộc các khối quân sự - chính trị khác nhau. Tuy nhiên, chắc chắn quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về việc trao đổi thông tin liên quan đến các hoạt động tại Syria nhằm tránh lặp lại sự cố như với máy bay Su-24 của Nga năm ngoái.
Hợp tác để tìm kiếm hòa bình cho Syria có thể là nền tảng cho một mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Nền tảng hợp tác chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria liệu có xuất hiện?
Theo các nhà quan sát, dù ký kết khá nhiều thỏa thuận hợp tác, tuy nhiên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có bước đột phá thực sự trong quan hệ. Hai bên thậm chí không đề cấp đến việc khôi phục lại mối quan hệ như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Su-24 và lý do duy nhất mang tên Syria. Cho đến thời điểm này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bất đồng về chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trước khi có cuộc gặp với người đồng cấp Nga, ông Erdogan đã nói về “đám” máy bay phản lực Nga trên bầu trời Syria, về sự phong tỏa thành phố Aleppo và về sự đau khổ của trẻ em…
Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “một tên tội phạm chiến tranh” và phải từ chức. Tuy nhiên, quan điểm của Nga lại ngược lại. Đây có thể là lý do [nếu tính đến việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang di chuyển đến gần thành phố Aleppo hơn, sự cố như đã xảy ra với máy bay Su-24 có thể sẽ lặp lại dưới hình thức này hay hình thức khác] chôn vùi tất cả các thỏa thuận liên chính phủ đạt được trước đó.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, một định dạng mới để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác về vấn đề Syria có thể sẽ được thiết lập. Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Syria thời gian quan được đánh giá là bế tắc. Mục tiêu mà nước này đặt ra là lật đổ chế độ al-Assad và thành lập một chính phủ thân Thổ Nhĩ Kỳ đã không đạt được. Trong hơn 5 năm nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ vào đây hơn 20 tỷ USD và những gì nước này nhận được là mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố luôn thường trực.
Nhờ sự trợ giúp của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những kết quả trong cuộc đối đầu với Đảng Công nhân người Kurd [Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố-ND] ở phía Nam nước này. Tuy nhiên, vũ khí mà Mỹ viện trợ cho người Kurd ở Syria được cho là cuối cùng cũng rơi vào tay lực lượng ly khai - những người bị cáo buộc gây ra hàng chục vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đau đầu bởi các vấn đề tại biên giới phía Nam của mình.
Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Washington về chính sách Cận Đông lưu ý rằng, vấn đề người Kurd và cuộc chiến chống IS có thể thu hẹp bất đồng giữa Moscow và Ankara. Đây không phải lợi ích của Washington và nó cũng là lý do Mỹ hỗ trợ chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu không chỉ là chống lại IS mà còn ngăn cản lực lượng dân quân người Kurd thống nhất lãnh thổ của họ ở phía Bắc Syria. Rất có thể mục đích của Mỹ muốn xảy ra các cuộc đụng độ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Aleppo nhằm ngăn cản những chuyển biến tích cực trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, cả Ankara và Moscow đều cần một Syria thống nhất và hòa bình. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng việc có quá nhiều nhóm nổi dậy ở Syria sẽ không mang lại hòa bình cho đất nước này thì danh sách những người không hài lòng [với chiến dịch quân sự của Nga tại Syria mà không có một kết thúc với chiến thắng rõ ràng] cũng đã khá dài.
Trong trường hợp những bất đồng chính về chính trị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết, sẽ chẳng có lý do gì để lo lắng về số phận của các dự án chiến lược như “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và nhà máy điện hạt ở Akkuyu. Khi đó những phát biểu về kim ngạch thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đạt 100 tỷ USD sẽ có cơ hội trở thành hiện thực./.