Qatar có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới
Trong khi đó, có thông tin, vào ngày 5/7 tới, Ngoại trưởng của 4 quốc gia Arab gồm: Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập sẽ nhóm họp tại Cairo để thảo luận về vấn đề Qatar.
Ảnh minh họa: AP |
Dư luận khu vực lo ngại, căng thẳng vùng Vịnh sẽ tiếp tục leo thang, trong đó các biện pháp cô lập về ngoại giao và kinh tế sẽ được tăng cường nhằm vào Qatar để đáp trả động thái khước từ của quốc gia này.
Trong một tuyên bố mới đây nhất, ngày 2/7, Tiểu Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani cho biết, sẽ thông qua Kuwait để chuyển thông điệp về lập trường chính thức của nước này đối với bản yêu sách 13 điểm của các nước láng giềng vùng Vịnh.
Trước đó, hôm 1/7, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã từ chối bản yêu sách 13 điểm của các nước Arab vì cho rằng tối hậu thư này không nhằm mục tiêu chống khủng bố mà là hạn chế quyền chủ quyền của Qatar.
Lãnh đạo Qatar cũng cho biết, chính quyền Doha sẵn sàng đối thoại để giải quyết bất đồng nếu các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ hoàn toàn. Được biết, ngoài việc bị phong tỏa hàng không, đưởng bộ và đường biển, khoảng 12 nghìn công dân và kiều dân Qatar ở các quốc gia vùng Vịnh Arab đã bị cách ly hoặc trục xuất về nước.
Trong khi đó, bốn quốc gia vùng Vịnh Arab khẳng định, các yêu sách của họ không thể thương lượng, đồng thời cảnh báo Qatar có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu tối hậu thư không được đáp ứng. Theo đó, biện pháp trừng phạt giành cho Qatar có thể là tạm dừng tư cách thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Về kinh tế, lệnh trừng phạt có thể áp đặt lên các quốc gia đang duy trì giao dịch với Qatar, trong đó yêu cầu các đối tác thương mại nước ngoài lựa chọn giữa làm việc với họ hoặc Qatar. Cùng với đó, các ngân hàng của Saudi Arabia, UAE và Bahrain có thể sẽ nhận được lệnh rút các khoản tiền gửi và khoản vay liên ngân hàng từ Qatar.
Được biết, trong những ngày qua, đã có dấu hiệu đầu tiên của đợt phong tỏa mở rộng đối với Qatar, đó là việc một số ngân hàng Anh đã ngừng các hoạt động giao dịch với khách hàng bán lẻ ở khu vực trung tâm của nước này.
Trong khi đó, tuyên bố của Ngoại trưởng Qatar đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán của nước này. Theo đó, chỉ số chứng khoán Qatar (QSI) ngày 2/7 đã giảm mạnh xuống 3,1%, kéo theo mức thua lỗ lên đến 11,9% kể từ khi Saudi Arabia và các nước Arab vùng Vịnh bắt đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Doha hôm 5/6.
Các nhà bình luận khu vực nhận định, căng thẳng vùng Vịnh như hiện nay khó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, mà chỉ có thể khiến Qatar bị cô lập và rời xa các quốc gia vùng Vịnh Arab hơn.
Qatar hiện đang ở thế bế tắc, nhưng vẫn còn lối thoát nếu họ biết tự điều chỉnh “hành vi” của mình một cách đúng đắn, tức là quay lại quỹ đạo chung của các nước vùng Vịnh.
Thời gian tới, giải pháp đối thoại vẫn được xem là tối ưu nhất. Trong trường hợp Qatar từ chối yêu sách 13 điểm, một giai đoạn đàm phán mới có thể sẽ tiếp tục được mở ra.
Dư luận cũng cho rằng, bên cạnh các quốc gia như Kuwait có quan điểm ôn hòa, đóng vai trò làm cầu nối cho các cuộc đối thoại, Mỹ có thể sẽ là một nhân tố tích cực trong giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tuy vậy, hiện chính quyền Mỹ đang có những quan điểm và phản ứng chưa đồng nhất, cụ thể là giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao. Theo đó, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có chiều hướng ủng hộ lập trường của Saudi Arabia, thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại coi trọng việc cùng Kuwait thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải giữa các bên trong cuộc khủng hoảng./.