Nhiều nước tiếp tục phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Liên đoàn A-rập hôm qua bày tỏ lo ngại về sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump gần đây. Tuyên bố của 22 nước thành viên Liên đoàn A-rập, bao gồm một số quốc gia có công dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, nêu rõ, những giới hạn trong sắc lệnh này là phi lí.
Đám đông biểu tình ở thành phố New York - Ảnh: New York Daily |
Sudan hôm qua cũng triệu đại biện lâm thời Mỹ tại Khartoum để phản đối quyết định cấm nhập cảnh của ông Trump. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan, quyết định của ông Trump đã phát đi "một thông điệp tiêu cực", chỉ hai tuần sau khi Mỹ vừa tuyên bố nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với quốc gia châu Phi. Trong tuyên bố, Sudan cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc quyết định này. Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua tuyên bố, Anh không nhất trí với chính sách siết chặt thị thực của Mỹ và đang xem xét sắc lệnh hành chính của Mỹ cũng như những tác động của nó, đặc biệt đối với các công dân Anh
“Chúng ta đang rất lo ngại về quyết định này và tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu ông Trump đến nước Anh, khi những điều này tiếp diễn. Tôi nghĩ ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề này. Tôi không hoan nghênh ông Trump đến nước Anh cho đến khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Bởi vì điều này xảy ra với các nước trong lệnh cấm và sẽ còn tiếp diễn với các nước khác, cũng như những tác động dài hạn đối với các phần còn lại của thế giới”, Lãnh đạo Công đảng Anh, ông Jeremy Corbyn hôm qua cũng kêu gọi Mỹ phải dỡ bỏ lệnh cấm này.
Yemen hôm qua cũng cho rằng lệnh cấm của Mỹ sẽ làm gia tăng mối đe dọa cực đoan. Hãng thông tấn SABA trích nguồn từ Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Yemen phản đối lệnh cấm này. Quyết định này của Mỹ là ủng hộ cho chủ nghĩa cực đoan và gây ra tình trạng chia rẽ nghiêm trọng. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Iraq đã kêu gọi đưa ra một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ sau quyết định của ông Trump. Phó Chủ tịch ủy ban, ông Hassan Shwairid yêu cầu chính phủ Iraq có biện pháp đáp trả "có đi có lại" đối với Mỹ.
Iraq, Sudan, Yemen đều là các quốc gia nằm trong danh sách tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ./.