Nhà cách mạng trong lòng dân
Nhiều câu chuyện cảm động đã được ghi vào sử sách. Điển hình, ngày 19-11-1942, tại nhà ông Nguyễn Văn Hựu ở xóm Đá, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Trung ương khai mạc lớp huấn luyện cán bộ thuộc các tỉnh ở phía Bắc. Thôn Vân Xuyên nằm sát sông Cầu, bên kia sông là thôn Tiên Thù, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Lớp huấn luyện cán bộ được tổ chức tại nhà ông Hơn; các gia đình ông Hựu, ông Quýnh, ông Thang và nhiều gia đình ở đây, đã tận tình giúp đỡ cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình ông Đỗ Văn Man, là cơ sở cách mạng ở xã Đồng Xuân, huyện Kim Anh, Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) năm 1976. Ảnh tư liệu |
Chương trình các lớp huấn luyện là giải thích đường lối của Đảng và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ quân sự và chính trị trước mắt. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách và giảng bài cho các lớp học. Không may, khi lớp học đang diễn ra thì sáng sớm ngày 21-11-1942, mật thám Pháp cùng lính huyện tay sai kéo về bao vây xóm Đá và thôn Vân Xuyên, lục soát các gia đình, trong đó có nhà ông Hựu và nhà ông Quýnh.
Hôm ấy, Tổng Bí thư Trường Chinh dậy sớm để tập thể dục và chuẩn bị bài giảng, bỗng thấy những ánh đèn pin chiếu sáng. Biết có chuyện chẳng lành, đồng chí nhanh chóng chạy vụt ra phía sau nhà, nhằm thẳng hướng sông Cầu. Thấy có bóng người chạy, địch hô đuổi theo; cũng may do có nhiều cây cối và trời chưa sáng hẳn, nên chúng không phát hiện ra đồng chí Trường Chinh.
Chạy ra đến bờ sông Cầu, Tổng Bí thư Trường Chinh trườn nhanh sang bên kia bờ đê và tìm cách vượt sông. May sao lúc đó, trên sông xuất hiện một chiếc thuyền đánh cá; trên thuyền có một ông lão và một cô bé (sau đó đồng chí được biết ông già tên là Lịnh, còn cô con gái tên là Vịnh). Thấy bóng người loay hoay muốn vượt sông, ông Lịnh đoán có việc chẳng lành, liền chèo thuyền vào bờ. Sau mấy lời trao đổi, ông già gật đầu, mời đồng chí Trường Chinh xuống thuyền, bảo đồng chí nằm xuống khoang thuyền và đưa cho đồng chí chiếc chăn đã cũ rách. Lúc ấy, đồng chí Trường Chinh chỉ kịp mặc một chiếc áo mỏng, người rét run, may sao, được tấm chăn của ông lão, nên thấy ấm áp làm sao! Hai bố con ông Lịnh đưa đồng chí Trường Chinh sang sông an toàn. Rất cảm kích, đồng chí Trường Chinh tìm trong túi, thấy còn ít tiền, liền đưa hết cho ông Lịnh và xúc động nói: “Tôi rất biết ơn ông, hẹn ngày gặp lại!”. Ông Lịnh nói: “Tôi đã giúp chở nhiều cán bộ cách mạng qua sông. Ông cứ cầm lấy mà lộ trình!”. Một lần nữa, đồng chí Trường Chinh cảm ơn tấm lòng của bố con ông.
Sang bên kia sông Cầu, Tổng Bí thư Trường Chinh đi về phía vườn quýt (thuộc thôn Tiên Thù, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) nhẹ nhàng đến chỗ một lán trại và nói với người coi vườn (là anh Tâm) biết việc mình vừa qua sông và xin được cho ăn cơm sáng. Tiếp đó, tại thôn Tiên Thù, Tổng Bí thư Trường Chinh được gia đình cụ Ngô Văn Luân giúp đỡ, bảo vệ chu đáo. Gia đình cụ Luân là cơ sở cách mạng. Trong những năm Đảng hoạt động bí mật, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã qua lại nơi đây để hội họp và trao đổi công tác. Sau đó, Tổng Bí thư Trường Chinh rời Tiên Thù đi Hà Đông, tiếp tục cuộc hành trình cách mạng…
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc và sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Trường Chinh đã một số lần về thăm lại xóm Đá, thôn Vân Xuyên. Lần cuối về thăm nơi đây, đồng chí được biết ông Lịnh đã mất, chỉ còn người con gái tên là Vịnh, lúc ấy đã già.
Sau các lớp huấn luyện cán bộ, Trung ương tập trung sức củng cố và phát triển thêm các cơ sở cách mạng ở nông thôn, xây dựng thêm một số cơ sở ở vùng nội và ngoại thành Hà Nội; từ đó, một “đường dây đỏ” dần dần hình thành theo rộng dài đất nước.
Trong lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang bị nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại miền Nam Trung Quốc. Ở trong nước, công việc đặt lên vai Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh. Và sức mạnh vô địch dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là đã khơi dậy sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong giai đoạn quan trọng này, được sự giúp đỡ, chở che, ủng hộ hết lòng của nhân dân, Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh, cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng đã bằng tất cả tấm lòng, trí tuệ và bầu nhiệt huyết cách mạng sục sôi, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt lên phong ba bão táp, đi đến thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi vào lịch sử của Đảng, của dân tộc và sống mãi trong lòng nhân dân!