Vùng quê “địa linh nhân kiệt”
Tính đến khoa thi Nho học cuối cùng (năm 1919), làng có 352 người từ đỗ tú tài đến tiến sĩ. Thời thuộc Pháp, Hành Thiện có thêm 51 người đỗ tú tài và cử nhân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thời kỳ hiện đại, Hành Thiện có gần 200 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… Vùng đất “địa linh” này là chiếc nôi sinh dưỡng nhiều “nhân kiệt” cho đất nước, dân tộc và việc học nơi đây luôn gắn liền với lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc...
Học sinh Trường Tiểu học A Xuân Hồng (huyện Xuân Trường) tham quan, học tập về lịch sử truyền thống tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. |
Sau hơn 7 thế kỷ tồn tại và phát triển, làng Hành Thiện mang nhiều nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê Việt Nam, với nhiều di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị mỹ thuật và lịch sử, cùng nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ đã được khôi phục, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Keo Hành Thiện-nơi thờ Thiền sư Không Lộ, người có công lập ra làng Hành Thiện. Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa năm 1962. Chùa Đĩnh Lan cũng tọa lạc nơi đây hơn 2 thế kỷ. Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, ở xóm 7, làng Hành Thiện là di tích lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, 3 lần được bầu là Tổng Bí thư của Đảng.
Hành Thiện còn là làng Nho học, nổi tiếng cả nước về truyền thống học hành và đỗ đạt. Tinh thần “tôn sư trọng đạo” thời nào cũng được người dân Hành Thiện coi trọng; việc khuyến học được làng chăm lo bằng nhiều hình thức. Thời phong kiến, làng có hơn 30 người từng làm quan giáo dục, trong làng có hơn 20 trường học tư do chính các thầy của làng tổ chức, giảng dạy, thu hút hàng vạn học trò trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu là trường của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng có tổng cộng hơn 1.000 học trò, hơn 200 người đã đỗ từ tú tài đến tiến sĩ. Hành Thiện ngày nay vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, là khi có người đỗ đạt, làng thường tổ chức lễ khen thưởng trang trọng, tuyên dương thành tích học tập.
Việc học ở Hành Thiện còn gắn liền với truyền thống yêu nước, cách mạng. Hành Thiện là “chiếc nôi” sinh dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước, quê hương. Đó là những trí thức yêu nước, có tư tưởng tiến bộ như cụ Đặng Xuân Bảng, ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (năm 1856), khi làm quan cụ luôn bênh vực dân nghèo, giữ mình liêm khiết. Thân phụ của đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Viện-một nhà nho uyên bác, một nhà khảo cứu giỏi trên nhiều lĩnh vực. Tiến sĩ tri phủ Nguyễn Ngọc Liên “bất bái toàn quyền Đông Dương” có con trai là chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thế Rục; rồi nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều... Trong những giai đoạn tiếp theo, làng Hành Thiện đã sản sinh nhiều người con ưu tú, nắm giữ những cương vị chủ chốt trong quân đội và các ở cơ quan Trung ương. Đặc biệt, Tổng Bí thư Trường Chinh, người con ưu tú của quê hương Hành Thiện, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Phát huy truyền thống cách mạng, văn hiến của quê hương, người dân Hành Thiện hôm nay vẫn tích cực chăm lo con em học hành, rèn đức, luyện tài để phục vụ quê hương, đất nước. Qua các thời kỳ, đất học Hành Thiện đã có 2 người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 5 người được tặng giải thưởng Nhà nước, 5 Nhà giáo nhân dân, 1 Thầy thuốc nhân dân, 1 Nghệ sĩ nhân dân, 26 Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, 196 giáo sư, tiến sĩ, 146 thạc sỹ, 23 học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế và hàng nghìn cử nhân. Mỗi năm, làng Hành Thiện có từ 50 đến 70 học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng (chiếm hơn 90% số học sinh dự thi). Mới đây, hai học sinh của làng Hành Thiện là các em: Nguyễn Khánh, giành Huy chương vàng Toán quốc tế tổ chức tại Phi-lip-pin và Nguyễn Minh Tuấn, giành Huy chương bạc Toán quốc tế Thanh niên tại Vương quốc Anh… Thế hệ trẻ làng Hành Thiện hôm nay đã và đang kế tục xứng đáng truyền thống của các bậc tiền bối, tiếp tục làm rạng danh cho quê hương, đất nước trên đường hội nhập, phát triển.