Nguy biến do thừa canxi
Canxi rất cần thiết và có vai trò quan trọng để xương phát triển và cơ thể luôn khỏe mạnh, đặc biệt là với trẻ em và phụ nữ ngoài 30 tuổi. Thiếu canxi sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em, gây nhiều bệnh cho người trưởng thành. Nhưng thừa canxi cũng để lại những hậu quả xấu cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Trẻ có thể bị lùn do thừa canxi
Bổ sung canxi cho bé ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết và rất nhiều phụ huynh đã ý thức được điều đó. Nhưng bổ sung bằng cách nào, liều lượng bao nhiêu để bé hấp thu tốt thì không phải ai cũng biết. Chính vì vậy, nhiều người đã cho bé uống sữa hàm lượng canxi cao ngay từ khi mới sinh, rồi uống bổ sung canxi với quan niệm dùng càng nhiều càng tốt, con càng cao lớn, mà không nhận thức được tác hại của việc thừa chất này đối với trẻ nhỏ. Tuy canxi có tác dụng thúc đẩy phát triển chiều cao, nhưng khi cơ thể thừa canxi thì sẽ gặp nguy cơ bị vôi hóa thận, sỏi thận, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie, phospho... khiến bé bị suy dinh dưỡng. Việc thừa canxi từ nguồn thực phẩm thì phần thừa sẽ được thải ra ngoài qua đường tiểu. Còn canxi thừa do thuốc khó đào thải ra ngoài sẽ gây sỏi thận, tăng canxi máu, táo bón, buồn nôn, ăn không ngon, đau xương... Điều đáng ngại hơn, trẻ có thể bị lùn do thừa canxi. Điều này được lý giải như sau: hàm lượng canxi trong máu tăng cao có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cứng xương sớm, dẫn đến hạn chế sự phát triển xương, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển chiều cao, trẻ có thể bị lùn hoặc ngừng phát triển chiều cao vì cốt hóa xương sớm.
Dấu hiệu nhận biết bé thừa canxi là: nếu nhẹ bé có thể bị táo bón, mệt mỏi, buồn nôn hay là biếng ăn. Còn nếu nặng hơn, bé có thể có các dấu hiệu như đau xương, đau cơ, đi tiểu nhiều. Khi làm xét nghiệm, lượng canxi huyết của bé rất cao.
Thừa canxi có thể gây sỏi thận. |
Nguy cơ mắc bệnh do thừa canxi
Bất kỳ chất dinh dưỡng hay thực phẩm nào dư thừa cũng đều gây ra những bất lợi cho cơ thể và canxi cũng không là ngoại lệ. Một số vấn đề về sức khỏe dễ mắc phải khi dư thừa canxi gồm:
Sỏi thận: thừa canxi còn gây quá tải cho thận, nếu vẫn tiếp tục bổ sung quá nhu cầu cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận. Bệnh có thể nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Cường giáp: các tuyến cận giáp có trách nhiệm kiểm soát lượng canxi và phospho trong cơ thể. Khi hormon tuyến cận giáp được sản xuất với số lượng lớn, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh cường giáp, đây là một tác dụng phụ do dư thừa canxi.
Bệnh tim mạch: dùng canxi liều cao có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ canxi trong máu gây rối loạn canxi máu và rối loạn nhịp tim. Hơn nữa, do lượng canxi lớn giải phóng nhiều hormon khác nhau gây ra những cơn đau tim, ảnh hưởng đến sự phát triển của tim mạch.
Buồn nôn và mệt mỏi: dư thừa canxi sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái không tỉnh táo, cơ thể mệt mỏi, trầm cảm, chóng mặt và buồn nôn, khát nước, đi tiểu nhiều...
Giảm hấp thu chất dinh dưỡng: lượng canxi được hấp thu bởi cơ thể tăng sẽ khiến việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác suy giảm. Thừa canxi sẽ ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm khiến cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Khi đó, cơ thể sẽ không đủ khỏe mạnh để hoạt động. Huyết áp thấp và nhịp tim không đều là kết quả của việc giảm hấp thu.
Rối loạn tiêu hóa: cung cấp canxi quá nhu cầu cơ thể khiến bạn ăn không ngon miệng, đau bụng, tiêu chảy. Bổ sung canxi quá mức cần thiết sẽ khiến bạn thường xuyên bị táo bón.
Ảnh minh họa. |
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Nhu cầu canxi của cơ thể thay đổi theo lứa tuổi và phụ thuộc vào quá trình phát triển xương của mỗi người. Bạn cần bổ sung đúng với nhu cầu, không thiếu thì không cần bổ sung. Việc bổ sung canxi cũng cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Khi bổ sung canxi cần lưu ý: muốn hấp thu canxi thì phải bổ sung cả vitamin D. Những trường hợp đặc biệt: người suy thận, người sỏi thận, phụ nữ có thai hay đang cho con bú, người già yếu, người có cơ địa dị ứng, người có nhiều bệnh lý kết hợp, người có rối loạn nhịp tim... lại càng cần có sự chỉ dẫn kỹ càng của thầy thuốc. Nên bổ sung canxi vào buổi sáng đến trưa, tránh uống vào buổi chiều, tối vì sẽ gây khó ngủ. Nên uống sau bữa ăn khoảng một giờ.
Cách bổ sung canxi an toàn, hiệu quả là qua thực phẩm như: sữa, các chế phẩm từ sữa (pho mai, sữa chua...), tôm, tép, ốc, cua, trứng, sữa, các loại rau màu xanh sậm, đậu, chuối, kiwi... Khi dùng thực phẩm giàu canxi hoặc uống canxi cần hạn chế ăn chung với rau củ quả có vị chát, ngũ cốc nguyên vỏ, thực phẩm có chứa oxalate như socola, trà, nước ép hoa quả... vì sẽ làm hạn chế hấp thu canxi. Không dùng chung canxi với tất cả các loại sữa và chế phẩm của sữa. Đồng thời nên tiếp xúc với nắng buổi sáng để giúp cơ thể hấp thu canxi hiệu quả hơn.
Khi uống canxi quá liều, cơ thể sẽ có những biểu hiện như: khát nước, đi tiểu nhiều, buồn ói, rối loạn nhịp tim. Khi đó, cần uống thật nhiều nước để làm giảm nồng độ canxi trong máu và nếu tình trạng vẫn xấu thì cần nhập viện ngay.