Người dân TP HCM chưa biết nhiều đến Thừa phát lại
Sáng nay (4/12), HĐND TP HCM tổ chức Chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề: “Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự của Thành phố Hồ Chí Minh”. Vấn đề Thừa phát lại trong thi hành án dân sự đã được các đại biểu quan tâm.
Các Văn phòng Thừa phát lại tại TPHCM. (Ảnh: Sở Tư pháp thành phố). |
TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước được chọn thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa thi hành án dân sự theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020.
Hiện nay, thành phố có 11 văn phòng Thừa phát lại với 50 thừa phát lại hoạt động. Theo quy định của pháp luật, Thừa phát lại được thực hiện 4 mảng việc: lập vi bằng, tống đạt các văn bản giấy tờ, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án.
Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chấp hành viên của các cơ quan thi hành án. Qua 6 năm thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố, các văn phòng Thừa phát lại đã tiếp nhận 380 vụ việc yêu cầu thi hành án và đã tổ chức thực hiện thành công 250 vụ việc, các vụ việc còn lại đang trong giai đoạn tiến hành.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp Thành phố, mặc dù số vụ việc yêu cầu thi hành án của Thừa phát lại vẫn còn thấp, nhưng các vụ việc thi hành án thành công đều thực hiện trong giai đoạn giải thích, thuyết phục mà không phải tổ chức cưỡng chế. Qua đó giúp làm giảm bớt căng thẳng, tránh sự tranh chấp giữa các bên có liên quan; giảm tải, chia sẻ công việc với cơ quan thi hành án.
Tuy nhiên, do đây là chế định mới nên người dân và các tổ chức vẫn chưa biết đến nhiều và chưa tin tưởng để giao cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp TP HCM cho rằng: “Cần phải tăng cường tuyên truyền phổ biến chế định thừa phát lại để người dân biết đến Thừa phát lại tin tưởng giao cho thừa phát lại thực hiện thi hành án dân sự; Tăng cường việc phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan liên quan cho hoạt động của thừa phát lại; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, sai sót trong hoạt động của thừa phát lại”./.