Nga tố ngược tình báo Anh hạ độc cựu điệp viên Skripal
Ông Yakovenko đã đưa ra cáo buộc nói trên trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh NTV (Nga). “Chúng tôi có những nghi ngờ rất nghiêm trọng rằng, hành động khiêu khích này (vụ ám sát Skripal) đã được tiến hành bởi các cơ quan đặc vụ Anh. Họ từ chối hợp tác với chúng tôi, cũng không trưng ra được bất cứ chứng cứ nào về vụ việc”.
Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ hạ cánh xuống sân bay Vnukovo. Ảnh: AFP |
Đại sứ Yakovenko cũng lưu ý rằng, vụ ám sát cựu điệp viên Skripal xảy ra trong bối cảnh Anh đang trải qua “một tình thế rất khó khăn vào lúc này” bởi hai lý do. Lý do thứ nhất liên quan tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
“Tại Brussels, khi phát ngôn về vụ Skripal được đưa ra, chủ đề Brexit đã không được nhắc đến nữa, trong khi đó, có những thỏa thuận rất quan trọng được đưa ra vào thời điểm đó còn cần thêm các cuộc thương lượng giữa Anh và EU. Vấn đề là ở chỗ, chủ đề Brexit đã bị chìm đi”, ông Yakovenko nhấn mạnh. Lý do thứ hai, theo Đại sứ Yakovenko, có liên quan tới vai trò của Anh ở phương Tây. “Khi khái niệm an ninh quốc gia được thông qua và, sau đó, được (Thủ tướng Anh) Theresa May xác nhận, Anh đã lãnh vai trò đi đầu trong cái gọi là ‘ngăn chặn Nga’”, ông nói.
Tuy nhiên, để kiềm tỏa nước Nga, “(chính phủ) Anh cần tới một hành động khiêu khích mạnh mẽ để đảm bảo rằng, vị trí này được cả quốc hội và người dân ủng hộ”.
Ông Yakovenko cũng nói thêm rằng, Nga “sẽ không để Anh vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý”. “Anh sẽ phải trả lời cho vấn đề này, vì thế chúng tôi đang lựa chọn biện pháp nào được tiến hành”.
Tuần trước, Đại sứ Alexander Yakovenko từng tuyên bố rằng, nhà chức trách Anh đã dựng lên cái tên “Novichok” để “tạo mối liên hệ giả tạo giữa vụ Skripal với Nga”.
Theo ngài Đại sứ, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã đề cập tới chất độc thần kinh được gọi tên là A-234 trong một cuộc gặp cá nhân. Nhưng thay vào đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã dùng một tên gọi khác trong bài diễn văn trước quốc hội, đó là “Novichok”. “Cái tên đặc Nga” này là “một nỗ lực trắng trợn nhằm kết nối giả tạo vụ việc với phía Nga”, Đại sứ Nga tại Anh tố cáo. Ngày 4/3, cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái được tìm thấy bất tỉnh trên ghế gần một trung tâm mua sắm ở Salisbury, cách thủ đô London của Anh 120km về phía Tây Nam. Nhà chức trách Anh sau đó kết luận ông Skripal và con gái bị hạ độc bằng chất độc thần kinh "Novichok". Skripal là cựu nhân viên tình báo quân sự người Nga bị cáo buộc làm gián điệp cho Anh. Hiện cả ông Skripal và con gái đều nguy kịch trong bệnh viện ở Anh. Sau khi ông và con gái bị hạ độc bằng chất độc thần kinh, quan hệ giữa Nga và Anh gia tăng căng thẳng.
Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga đứng sau âm mưu ám sát ông Skripal đồng thời kêu gọi các nước phương Tây ủng hộ trừng phạt Nga bằng một loạt lệnh trục xuất các nhà ngoại giao của nước này.
Về phần mình, Moskva đã bác bỏ toàn bộ các cáo buộc của Anh và phương Tây, khẳng định không liên quan đến vụ hạ độc cựu điệp viên Skripal, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Tuy vậy, cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến vụ Skripal vẫn tiếp tục leo thang với việc Nga và các nước phương Tây thi nhau ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Mới đây nhất, ngày 1/4, các nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ và người thân đã lên phi cơ về nước, trong khi các nhà ngoại giao Mỹ tại Tổng lãnh sự quán ở St. Petersburg cũng rục rịch rời khỏi cơ sở này.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết tổng cộng 171 người bao gồm các nhân viên ngoại giao Nga và người thân của họ đã lên hai chiếc máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Dulles lên đường về Moscow./.