Nga-Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp gỡ nút thắt cho cuộc khủng hoảng Syria
Một loạt các chuyến thăm “đúng thời điểm” đã được các quan chức hàng đầu hai nước tiến hành trong những ngày qua, nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, tăng cường hợp tác để cùng nhau đối phó với những “thách thức chung”.
Cuộc xung đột tại Syria kéo dài 7 năm và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bài toán lớn để Nga – Thổ chứng minh mối quan hệ vững mạnh của mình – đó chính là lợi ích của hai bên tại chiến trường Idlib, một nút thắt cuối cùng của cuộc chiến tại Syria. Liệu rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
“Idlib, Syria là quả bom nổ chậm cần được giải quyết ngay” – Đó là nhận định của cựu nhân viên Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen vừa mới đưa ra. Theo ông, vấn đề Idlib là lý do mà các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ gồm Ngoại trưởng Cavusoglu, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar và người đứng đầu cơ quan tình báo Hakan Fidan đang có mặt tại thủ đô Moscow, Nga. Hôm qua (24/8), các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ này đã có cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp nước chủ nhà Nga và một cuộc gặp chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó.
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Cavusoglu đã trao đổi về những diễn biến mới nhất tại chiến trường Syria. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, một giải pháp quân sự cho vấn đề Idlib sẽ là một “thảm họa” không chỉ riêng đối với khu vực Tây Bắc Syria mà là toàn bộ đất nước Trung Đông này.
Ông Cavusoglu hi vọng, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Iran sẽ tiếp tục duy trì lệnh ngừng bắn tại Syria và cách thức giải quyết vấn đề nên bám sát tiến trình hòa bình được 3 bên thảo luận tại Astana, Kazakhstan. Nhất trí với ý kiến của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Lavrov hi vọng các bên có thể duy trì hợp tác trong vấn đề Syria, trong đó bao gồm cả việc hồi hương những người tị nạn.
Tuy nhiên, ông Lavrov tái khẳng định, các lực lượng đối lập tại Idlib được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cần phải tránh xa các nhóm khủng bố tại đây, nhằm tránh sự nhầm lẫn “không cố ý” nếu chính phủ Syria thực hiện chiến dịch chống khủng bố vào khu vực.
Trong lúc người đứng đầu ngành ngoại giao 2 nước thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã có buổi tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Theo hãng tin Interfax, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nga đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết vấn đề tại Idlib, Syria. Tuy nhiên, các đề xuất này không được công khai trước báo giới.
Vào tối hôm qua (24/8), các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã có một cuộc gặp chung với Tổng thống nước chủ nhà Putin. Tại cuộc gặp, Tổng thống Nga cho rằng, tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đã có nhiều bước tiến đáng kể nhờ sự hợp tác chung giữa hai nước, cùng với các đối tác khác bao gồm Iran, Liên Hợp Quốc, các nước châu Âu và Mỹ. Theo ông Putin, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng được đẩy mạnh, với những hợp tác trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Dự kiến, vào ngày 11 và 12/9, các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran sẽ cùng nhau tới Geneve, Thụy Sĩ, theo lời mời của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tình hình Syria Staffan De Mistura, để tham gia cuộc đối thoại về vấn đề thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc, bà Alessandra Vellucci cho biết:
“Đặc phái viên đang tham vấn các bên về việc thành lập một Ủy ban Hiến pháp cho Syria trong khuôn khổ đàm phán của Geneve, dựa theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an 2254 năm 2015. Ông ấy đã mời Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham vấn chính thức tại văn phòng Liên hợp quốc tại Geneve vào ngày 11 và 12/ 9/2018, để làm việc về Ủy ban Hiến pháp.”
Vấn đề Syria từng khiến hai nước Nga – Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng lại với nhau hồi năm 2015. Tuy nhiên, với những tác động từ bên ngoài mối quan hệ giữa hai nước, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đang tiến lại gần Nga hơn và các bất đồng giữa hai bên trong vấn đề Syria cũng từ đó được thu hẹp dần. Dẫu vậy, Idlib là bài toán khó thực sự và vấn đề này vẫn có khả năng khiến mối quan hệ hai nước trở lại “điểm đầu xuất phát” nếu không được giải quyết một cách khéo léo.
Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ một số nhóm nổi dậy tại khu vực Idlib, Syria và thiết lập thành công hơn 10 trạm quan sát quân sự tại đây. Tuy nhiên, lực lượng nổi dậy chỉ kiểm soát được 40% diện tích khu vực này và phần còn lại do các tay súng khủng bố thuộc Liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham – HTS kiểm soát. Đó chính là một phần lý do khiến chính phủ Syria coi việc giải phóng Idlib là một ưu tiên trước mắt của quân đội nước này./.