Nắng nóng trên diện rộng có nơi gần 39 độ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Ttung ương cho biết, đến chiều qua (29/7), nắng nóng đã xảy ra trên một số nơi ở các tỉnh Bắc bộ, với nhiệt độ phổ biến 35-36 độ C.
Người dân tiếp tục phải đối mặt với nắng nóng gay gắt. |
Một số nơi có nhiệt độ cao trên 37 độ như: Mường Lay (Điện Biên) 37,2 độ, Phố Ràng (Lào Cai) 37,2 độ, Lào Cai 37,4 độ, Lục Yên (Yên Bái) 37,3 độ, Bắc Quang (Hà Giang) 37,2 độ, Bắc Cạn 37,4 độ, Chợ Rã (Bắc Cạn) 37,9 độ, Cao Bằng 37,5 độ, Hiệp Hòa (Bắc Giang) 37,8 độ, ...
Dự báo, hôm nay (30/7), do ảnh hưởng của trường gió phân kỳ trên cao, các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện nắng nóng trên diện rộng, với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-16 giờ.
Khu vực Hà Nội, trời nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12 giờ đến 16 giờ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, đợt nắng nóng trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng kéo dài đến hết ngày 01/08. Từ ngày 31/07, nắng nóng sẽ gia tăng ở các tỉnh Trung Bộ.
- Trong khi đó, trên biển, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão-cơn bão số 5 trên biển Đông từ đầu năm tới nay. Vào khoảng 4h ngày hôm nay (30/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Vị trí và hướng đi của cơn bão số 5. |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 04 giờ ngày 31/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 26,2 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động): phía Bắc vĩ tuyến 18,00N; phía Đông kinh tuyến 116,50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền khu vực tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác; khu vực Bình Thuận-Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực quần đảo Trường Sa có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp
Trên đất liền khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật./.
PV/VOV.VN