Năm 2017, doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn
(Ảnh minh họa: Hải Âu/TTXVN) |
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu từ 28-29 tỷ USD trong năm nay, trung bình 2 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cần đạt trên 2,5 tỷ USD/tháng. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam gồm Hoa Kỳ với kim ngạch cao nhất đạt gần 10 tỷ USD, tăng 4,37%; châu Âu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 2,46%; Nhật Bản đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 4,61% và Hàn Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các thị trường khác đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 6,6%. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết năm 2017, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của sự cạnh tranh đến từ các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Các quốc gia này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như đã làm trong năm nay, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng. Trong năm 2017, dự báo tổng cầu dệt may thế giới vẫn sẽ tăng trưởng chậm. Đặc biệt với việc Anh rời EU và việc trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố không ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ. Vì vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Dự kiến nếu không có chính sách đột phá, cụ thể là các chính sách hỗ trợ ngành dệt may thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 của ngành sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm nay, ông Lê Tiến Trường nói. Để giúp các doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm có phản hồi và có hỗ trợ cụ thể các khó khăn của ngành dệt may mà Bộ Công Thương đang nghiên cứu và đã báo cáo Chính phủ. Đồng thời, quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may đối với cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và trong nước. Mặt khác, không kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào ngành may. Bên cạnh đó, kiến nghị không tăng lương tối thiểu thường xuyên hàng năm; giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm theo lương. Đồng thời, điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam phù hợp với tốc độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Ngoài ra, thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp; ban hành chính sách tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ xuất khẩu. Vitas cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật đang gây vướng mắc cho doanh nghiệp dệt may. Cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dệt may, các chính sách thu hút công nghệ tiên tiến. Đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ trong một năm, bỏ quy định khống chế giờ làm thêm trong tháng mà chỉ quy định giờ làm thêm trong năm để doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh./.