Mỹ toan tính gì khi “ra tối hậu thư” về quân sự với Triều Tiên?
Những lo ngại tăng dần
Lời đe dọa của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được đưa ra trong một cuộc họp do Canada và Mỹ đồng chủ trì có sự tham gia của 20 nước từng ủng hộ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953, diễn ra ngày 16/1.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Dù cả Mỹ và 20 quốc gia nói trên đều cam kết sẽ ủng hộ hai miền Triều Tiên nối lại các cuộc đối thoại với hy vọng “điều này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng kéo dài trên bán đảo Triều Tiên”, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa vẫn khiến nhiều quốc gia lo ngại về khả năng một cuộc chiến mới lại bùng phát.
Báo chí Mỹ cũng đăng tải thông tin nhiều quan chức nước này đã trao đổi với Tổng thống Donald Trump về khả năng thực thi các phương án quân sự chủ động- bao gồm cả việc đánh phủ đầu vào các căn cứ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Dù vẫn hết sức thận trọng khi tuyên bố trong cuộc họp báo sau cuộc họp nói trên rằng: “Tôi sẽ không đưa ra bình luận nào về những vấn đề mà Hội đồng An ninh Quốc gia hoặc Tổng thống chưa có quyết định chính thức”, ông Tillerson vẫn cảnh báo: “Chúng ta cần phải rất tỉnh táo và theo sát tình hình hiện tại.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng những mối đe dọa từ Triều Tiên đang ngày một gia tăng và nếu Triều Tiên không lựa chọn đối thoại hay đàm phán thì chính họ sẽ tự lựa chọn một phương án cho mình.
Nếu Triều Tiên chọn thực hiện các bước đi đúng đắn, chúng tôi sẽ trao tặng cho họ phương án tốt nhất- trong thời điểm này sẽ là đối thoại. Nếu họ chọn các biện pháp quân sự, kết cục sẽ không tốt cho họ. Giờ là thời điểm để đối thoại nhưng họ phải có những bước đi cho thấy họ thực lòng muốn đối thoại”.
Lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục được siết chặt?
Cũng trong cuộc họp nói trên, các quốc gia tham gia cũng cam kết duy trì đầy đủ và nghiêm túc các lệnh trừng phạt hiện tại của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Ngoài ra, các quốc gia cũng nhất trí “xem xét các bước đi cần thiết để có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và các biện pháp ngoại giao vượt khỏi khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng kêu gọi các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn các tàu thuyền tìm cách “lách” các lệnh trừng phạt và khẳng định Triều Tiên “sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường” nếu nước này “thực hiện những động thái khiêu khích mới”.
Cũng theo ông Tillerson, tại cuộc họp, các quốc gia cũng nhất trí rằng, Nga và Trung Quốc dù không tham dự vẫn phải thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Cùng chung quan điểm với ông Tillerson, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, thế giới không nên “quá tin tưởng” vào “thiện chí muốn đàm phán với Hàn Quốc của Triều Tiên”. Ông Kono nhấn mạnh: “Giờ không phải là lúc nới lỏng áp lực đối với Triều Tiên. Việc Triều Tiên bày tỏ mong muốn đối thoại có thể được hiểu rằng các lệnh trừng phạt đã có tác dụng”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha dù lạc quan tin tưởng các cuộc đối thoại Hàn-Triều sẽ tiếp tục được duy trì theo hướng tích cực ngay cả sau Olympic PyeongChang vẫn nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt hiện có phải được thực thi một cách chặt chẽ.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã tái khẳng định dù vẫn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao, Mỹ vẫn “đặt sẵn các phương án quân sự lên bàn nghị sự”. Ông Jim Mattis nhấn mạnh: “Điều này giúp các quốc gia hiểu rõ rằng, chúng tôi đã suy nghĩ hết sức thấu đáo về vấn đề này dù luôn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao”.
Nga-Trung đồng loạt phản đối
Nga và Trung Quốc- những nước không tham dự cuộc họp tại Vancouver và từng bị nhiều quốc gia cáo buộc không thực thi nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên- đã chỉ trích gay gắt những tuyên bố của các quan chức tại cuộc họp.
Phiên bản tiếng Anh của tờ China Daily có bài viết nhận định kết quả của cuộc họp nói trên là “hết sức nghèo nàn” và có thể “dẫn tới nguy cơ phản tác dụng”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, các quốc gia cần phải hoan nghênh việc hai miền Triều Tiên đồng ý đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, ông Vương Nghị cảnh báo, lịch sử cho thấy, mỗi khi căng thẳng hạ nhiệt, sẽ lại có những nhân tố cố tình can thiệp hoặc “chống lưng” cho một bên nào đó.
“Giờ là lúc thử thách sự chân thành của các bên. Cộng đồng quốc tế cần phải theo dõi kỹ lưỡng xem quốc gia nào mới thực sự ủng hộ một nghị quyết hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên và bên nào sẽ là kẻ phá hoại hoặc gây thêm căng thẳng”, ông Vương Nghị tuyên bố./.