Muốn đối phó với Triều Tiên, ông Trump phải cân nhắc ý kiến này
Ngày 2/5, các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 9/5. Cử tri Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ bầu một Tổng thống theo chủ nghĩa tự do với những ý kiến khác biệt rõ rệt so với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cách đối phó với Triều Tiên và điều này sẽ khiến những nỗ lực trừng phạt Bình Nhưỡng trở nên phức tạp hơn.
Ông Moon Jea-in trước thềm cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 2/5. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Moon Jae-in, ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ quan ngại rằng Washington đang bó buộc Seoul bằng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và phá vỡ tiến trình dân chủ của Hàn Quốc.
“Tôi không tin Mỹ có ý định [gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của chúng tôi] nhưng tôi bảo lưu quan điểm đó”, ông Moon Jea-in chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Washington Post.
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5, ông Moon Jea-in sẽ ngay lập tức trở thành Tổng thống Hàn Quốc, bỏ qua giai đoạn chuyển giao quyền lực vì người tiền nhiệm Park Geun-hye đã bị bãi miễn hồi tháng 3 và đang phải hầu tòa.
Trong quá trình tranh cử ông Moon Jea-in đã cam kết sẽ xem xét lại quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hye về việc triển khai THAAD.
Chính vì thế, phía Mỹ đã đẩy nhanh tiến trình này. Lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch đã lên từ trước rất lâu.
Tuy nhiên, động thái của Mỹ vấp phải sự chỉ trích rộng rãi trong dư luận Hàn Quốc vì cho rằng Washington đang tìm cách gây khó khăn cho việc đảo ngược kế hoạch triển khai THAAD của ông Moon Jea-in.
Hệ thống THAAD đặt ở Hàn Quốc bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/5 với mục tiêu bắn hạ bất cứ tên lửa nào từ Triều Tiên. Nhưng người dân Hàn Quốc lo ngại rằng việc lắp đặt hệ thống này chỉ khiến họ nhiều khả năng trở thành mục tiêu bị tấn công hơn.
“Dư luận Hàn Quốc không mong muốn chính phủ lâm thời cho triển khai THAAD một cách vội vã như thế vào thời điểm nhạy cảm chính trị này, khi cuộc bầu cử Tổng thống đang cận kề và lại không thông qua một tiến trình dân chủ, không có đánh giá môi trường hay lấy ý kiến người dân”, ông Moon Jea-in phát biểu sau một cuộc vận động tranh cử mới đây ở Seongnam, phía Nam thủ đô Seoul.
Ông Moon Jea-in cho rằng hành động của Mỹ có thể làm xói mòn niềm tin của Hàn Quốc đối với Mỹ và làm phức tạp thêm liên minh an ninh giữa 2 nước.
“Nếu Hàn Quốc có thêm thời gian để xem xét vấn đề này một cách dân chủ, Mỹ sẽ có mức độ tín nhiệm cao hơn với chúng tôi và vì thế, liên minh giữa 2 nước cũng mạnh hơn”, ông nêu rõ.
Trong một động thái gây “sốc” cho Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố sẽ buộc Seoul trả 1 tỷ USD cho việc triển khai THAAD bất chấp thỏa thuận trước đó là Hàn Quốc sẽ cung cấp đất còn Mỹ cung cấp thiết bị và vận hành hệ thống này.
Dù sau đó 2 nước tuyên bố kế hoạch triển khai THAAD không có gì thay đổi thì tuyên bố của ông Trump cũng đã nâng cao cơ hội cho ông Moon Jea-in trở thành Tổng thống bởi nó khiến những người còn đang lưỡng lự về THAAD bỗng nhiên nổi giận với kế hoạch này.
Ông Moon Jea-in, 64 tuổi, là 1 cựu luật sư nhân quyền và là chánh văn phòng của cựu Tổng thống theo chủ nghĩa cấp tiến Roh Moo-hyun. Ông đang dẫn trước đối thủ gần nhất Ahn Cheol-soo gấp đôi số người ủng hộ.
Là người thân thuộc với “Chính sách ánh dương” khá thân thiện mà Hàn Quốc dành cho Triều Tiên, ông chủ trương mở lại khu công nghiệp chung và đề xuất Hàn Quốc phải đi đầu trong các sáng kiến hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh, không phải Mỹ mà chính là Hàn Quốc cần có quyền kiểm soát chiến dịch của liên minh quân sự nếu có chiến tranh xảy ra với Triều Tiên.
“Tôi không muốn chứng kiến Hàn Quốc phải ngồi hàng ghế sau để nghe Mỹ và Trung Quốc thảo luận, ông Moon Jea-in nêu rõ. “Tôi cũng sẵn lòng ngồi xuống với ông Kim Jong-un nhưng không phải chỉ đề gặp gỡ suông. Tôi sẽ chỉ gặp ông Kim Jong-un khi điều kiện tiên quyết là vấn đề hạt nhân chắc chắn sẽ được giải quyết”./.