“Món quà” của ông Trump và những thách thức của Tổng thống Putin
Thái độ của ông Trump ở NATO là “món quà” cho Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang giành được lợi thế chính trị ở châu Âu phần lớn nhờ vào Tổng thống Donald Trump, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu Ben Hodges gần đây chia sẻ với trang Business Insider.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Ông Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 7 với nhiều lời chỉ trích dành cho các đồng minh khi gọi Đức là "bị Nga giam cầm" và nói các quốc gia khác đang "nợ" Mỹ chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Mỹ kết thúc hội nghị bằng cách đòi hỏi các thành viên NATO phải tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào tháng 1/2019 chứ không phải đến năm 2025.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO, ông Trump đã đến Helsinki, Phần Lan để gặp Tổng thống Nga Putin. Những gì được thảo luận trong cuộc gặp này vẫn chưa rõ ràng nhưng trong cuộc họp báo sau đó, ông Trump đã "phớt lờ" tuyên bố của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Vài giờ sau đó, ông lại tiếp tục khiến dư luận xôn xao khi cho rằng Montenegro - thành viên mới nhất của NATO có thể kéo liên minh này vào một cuộc chiến tranh.
Dường như sự thờ ơ và đôi khi là thù địch của ông Trump với NATO đang dần hủy hoại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh quốc phòng mà Washington đóng vai trò trong việc sáng lập sau Thế chiến thứ 2. Thái độ của Tổng thống Mỹ với NATO cũng góp phần tăng cường sức mạnh cho ông Putin, trung tướng Ben Hodges - cựu chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu cho biết.
"Ngay lúc này, sự thật rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh, ít nhất ở cấp độ Tổng thống đang bị đặt câu hỏi và đó là một tổn hại to lớn. Ý tôi là trong suốt cuộc đời trong quân ngũ của mình, tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi một Tổng thống Mỹ lại không phục vụ đất nước tận tâm 100% như vậy", ông Hodges - người từng tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point Hoa Kỳ và một sĩ quan bộ binh từng dẫn quân tới Iraq và Afghanistan nhận định.
"Vì Tổng thống Putin muốn tái lập một trật tự thế giới mà Nga từng là siêu cường nên ông ấy phải làm suy yếu NATO và Liên minh châu Âu. Ông ấy sẽ thực hiện điều này bằng cách tạo ra sự không tin tưởng và khai thác sự chia rẽ giữa các nước thành viên của Liên minh nhằm khiến chúng ta mất đi niềm tin vào tổ chức của mình", ông Hodges khẳng định.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ từng tuyên bố rằng việc Mỹ thiếu sự tận tâm với vấn đề quốc phòng của các thành viên NATO "giống như một món quà cho Tổng thống Putin". Cựu tướng cũng cho biết thêm rằng hiện nay, nhà lãnh đạo Nga có thể tự tin rằng ông ấy có thể gia tăng sức ép với các quốc gia vùng Baltic hoặc với Ukraine và các khu vực khác tương tự vậy".
Dưới thời Tổng thống Putin, Nga đã mở rộng ảnh hưởng bằng các hình thức hợp tác, cho vay, tuyên truyền và ủng hộ về mặt chính trị với các đảng cánh hữu và những đảng hoài nghi châu Âu. Bên cạnh chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, những đảng này còn có xu hướng ủng hộ những chính sách pháp luật cứng rắn và phản đối nhập cư bên cạnh việc ủng hộ các chính sách của Nga và chính phủ Nga.
Sự hỗ trợ của Nga dường như đã mở rộng trên khắp lục địa, gồm có Pháp, Hà Lan, Hungary, Áo và Cộng hòa Séc. Nga cũng được cho rằng đã ủng hộ những người theo chính sách ly khai ở Catalan, Tây Ban Nha và những người ủng hộ Brexit ở Anh.
Ông Hodges đã đặc biệt chỉ ra những chiến dịch làm nhiễu thông tin là một trong những phương pháp can thiệp của Nga.
Vai trò lãnh đạo của Mỹ là cần thiết để giúp NATO ứng phó với Nga bởi vì "sự gắn kết trong liên minh là một lợi thế to lớn của chúng ta", ông Hodges nhận định.
Tổng thống Nga Putin vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức
Dù có không ít lợi thế về mặt chính trị nhưng Nga vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức
Trong khi Moscow có hơn 1.500 vũ khí hạt nhân đã được triển khai, các lực lượng vũ trang thông thường của quốc gia này có chất lượng không đồng đều.
“Ngoài ra, mặc dù mạnh về quy mô nhưng khả năng của Nga vẫn còn hạn chế. Hai yếu tố quan trọng trong nền kinh tế Nga là xuất khẩu năng lượng và vũ khí. Do đó, quốc gia này rất dễ bị ảnh hưởng trên những mặt này", ông Hodges khẳng định.
Nước Nga cũng đã lao đao trong nhiều năm do sự lao dốc của giá dầu khiến một số công ty xuất khẩu dầu của quốc gia này phải đóng cửa. Về lĩnh vực xuất khẩu, dù Nga vượt Mỹ để trở thành nước xuất khẩu lúa mạch lớn nhất thế giới nhưng cơ sở hạ tầng nghèo nàn có thể hạn chế ngành này trong tương lai gần.
Ngoài ra, sự phát triển tổng thể của Nga có thể sẽ bị cản trở bởi vấn đề dân số già ở quốc gia này. Dân số trong độ tuổi lao động ở Nga ước tính sẽ giảm 4,8 triệu trong 6 năm tới, Bộ trưởng Kinh tế quốc gia này cho biết vào cuối năm 2017.
Ở vùng cực đông của Nga, 6 triệu người Nga sống ngay gần 100 triệu người Trung Quốc trong vùng biên giới giữa Siberia và phía Bắc Trung Quốc. Những người Nga trong khu vực này đang cảm thấy không hài lòng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của người Trung Quốc và với sự nhượng bộ của Nga trước các lợi ích thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện ở Trung Á - khu vực ảnh hưởng của Nga một thời gian dài.
"Những người Trung Quốc đang tới Siberia và điều này gần như không thể ngăn chặn được. Vì thế Nga sẽ có một số thách thức cần phải giải quyết", ông Hodges khẳng định./.