Liên minh Nga - Thổ - Iran liệu có mang lại hòa bình cho Syria?
Vào những ngày cuối cùng của năm 2016, chính phủ của Tổng thống al-Assad và đại diện của các phe phái đối lập tại Syria đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới dưới sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua ở Syria đang có hy vọng sẽ kết thúc. Ảnh: AFP |
Theo kế hoạch này, lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 30/12/2016 và các bên tham chiến sẽ chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán hòa bình dự kiến được tổ chức tại thủ đô Astana, Kazakhstan vào cuối tháng 1/2017.
Vào thời điểm này, lệnh ngừng bắn mới nhất cũng đang ở vào trạng thái mong manh như rất nhiều lệnh ngừng bắn được đưa ra trước đó trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. 10 nhóm đối lập ở Syria vừa ra tuyên bố chung, đình chỉ tất cả các thảo luận liên quan đến đàm phán hòa bình ở Astana. Các phe nhóm đã cáo buộc quân Chính phủ Syria đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi đang tìm cách chiếm lại các khu vực, nơi cung cấp phần lớn nguồn nước cho thủ đô Damascus và nằm trên tuyến đường vận tải chủ yếu từ Lebanon đến thủ đô Syria.
Cho dù được đánh giá là rất mong manh, tuy nhiên, lệnh ngừng bắn mới này cũng đang nhen lên một tia hy vọng. Các chuyên gia tin rằng, Nga và các cường quốc hàng đầu của khu vực có thể mang lại hòa bình cho Syria, dù quá trình này có thể kéo dài và đòi hỏi sự tham gia của các bên có liên quan khác.
Theo thỏa thuận ngừng bắn mới được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, có khoảng 60.000 tay súng đối lập sẽ tham gia vào thỏa thuận này và sẽ tiến hành đối thoại với chính phủ Syria. Những nhóm đối lập khác không tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn sẽ bị coi là các phần tử khủng bố.
Iran cũng tham gia hỗ trợ thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã “làm rất nhiều việc” để hướng tới việc vãn hồi hòa bình ở Syria, kể cả cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa 3 nước tại Moscow ngày 20/12 vừa qua.
Các cường quốc khu vực sẽ thay thế vai trò của Mỹ
Thông thường, đối tác truyền thống mà Nga hợp tác để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria là Mỹ. Tuy nhiên, tất cả các thỏa thuận ngừng bắn trước đó dưới sự bảo trợ của Nga và Mỹ đều thất bại, đơn cử như lệnh ngừng bắn mới nhất ngày 10/9/2016 được duy trì chưa tới 1 tuần. Chính vì vậy ở thời điểm này, Nga đã tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran (2 quốc gia có vai trò quan trọng ở Trung Đông) đồng thời đẩy Mỹ ra rìa.
“Mỹ gần như không còn có ảnh hưởng đối với phe đối lập ở Syria. Washington coi họ là phe đối lập ôn hòa, nhưng thực tế họ đứng về phía những kẻ khủng bố Jabhat Fateh al-Sham”, Irina Zvyagelskaya, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phương Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định. Trong khi đó, không giống như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng một cách trực tiếp đối với phe đối lập tại Syria và vì vậy, hợp tác với Ankara sẽ có hiệu quả thực chất hơn cho Moscow. Về phần mình, Nga và Iran có thể gây ảnh hưởng đối với Tổng thống Bashar al-Assad - đồng minh quân sự và chính trị của họ.
Thời gian tạm lắng là cần thiết
Leonid Isaev, giáo sư chính trị, khoa học tại trường Đại học Kinh tế Nga đồng tình cho rằng, lệnh ngừng bắn ở Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể sẽ mang lại hiệu quả. Không chỉ là việc 3 nước này có tầm ảnh hưởng đến các bên trong cuộc nội chiến ở Syria mà họ cũng nhận ra sự cần thiết của việc xây dựng một cơ chế thỏa hiệp.
“Mọi người đều cần khoảng thời gian im ắng này”, ông Isaev nhận định. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng trong nước khi tiến hành chiến dịch quân sự "Lá chắn sông Euphartes" ở miền Bắc Syria. Trong khi đó, Iran đã đổ rất nhiều tiền của, công sức và cả sinh mạng để ủng hộ ông Assad. Bản thân Nga cũng chịu không ít tổn thất khi quyết định can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria.
Ở vào thời điểm hiện nay, cả chính phủ Syria và phe đối lập đều thiếu các nguồn lực cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột dai dẳng ở quốc gia Trung Đông này. Chính vì vậy, Nga và các cường quốc khu vực đang thúc giục hai bên hướng tới một giải pháp hòa bình.
Tình hình tại Syria hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể phá vỡ lệnh ngừng bắn mới nhất. Ảnh: AFP |
Lệnh ngừng bắn mong manh
Bản thân Tổng thống Nga Putin cũng tỏ ra khá thận trọng khi nói về thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được ở Syria. “Chúng tôi hiểu rằng, thỏa thuận ngừng bắn này là vô cùng mong manh”.
Các chuyên gia Nga cũng đồng tình khi cho rằng, có rất nhiều yếu tố phức tạp hiện nay ở Syria có khả năng phá hoại thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được.
“Chẳng ai dám tin tưởng tuyệt đối thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria”, bà Irina Zvyagelskaya nhận xét.
Theo bà Zvyagelskaya, vấn đề ở đây không chỉ là những mâu thuẫn giữa các bên bảo trợ lệnh ngừng bắn (Nga và Iran ủng hộ chính quyền Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập), mà còn là số lượng lớn các phe phái khác ở Syria bao gồm các tổ chức phi chính phủ. Các nhóm vũ trang - kể cả các nhóm khủng bố, có thể hành xử bất ngờ và không quan tâm đến lợi ích của bất kỳ ai trong việc duy trì ổn định tại Syria.
Trong khi đó, ông Isaev cho rằng, lệnh ngừng bắn mới và thỏa thuận về việc phân chia ranh giới chủ yếu liên quan đến khu vực Tây Bắc Syria - nơi đã tồn tại một đường ranh giới được công nhận nhất định giữa các khu vực thuộc quyền kiểm soát của chính phủ và phe đối lập. Tình hình có thể sẽ phức tạp hơn tại các khu vực khác ở Syria. “Ví dụ các bên sẽ phải làm gì ở khu vực phía Đông Syria hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của IS? Ai sẽ kiểm soát vùng lãnh thổ này và ai sẽ là người giải phóng nó khỏi tay những kẻ khủng bố?”, ông Isaev đặt câu hỏi.
Theo các chuyên gia, danh sách các bên tham gia cuộc đàm phán hòa bình Syria cần phải được mở rộng hơn, bao gồm cả Mỹ, Saudi Arabia và các cường quốc khác trong khu vực. Sự hợp tác ba bên gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là một khởi đầu tốt nhưng là không đủ để mang lại hòa bình một cách toàn diện cho Syria mà cần phải mở rộng với sự tham gia của nhiều bên nữa./.