Lập Quy hoạch tổng thể khu di tích đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Sở VHTT Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc Quy hoạch tổng thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Cần có quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Theo báo cáo, quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám có tổng diện tích khoảng 54.331 m2. Hằng năm có khoảng gần 1,5 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Đặc biệt di tích được vinh dự tiếp đón, phục vụ các đoàn khách Nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách ngoại giao cao cấp của Đảng, Nhà nước, của UBND TP. Hà Nội. Di tích từ lâu đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc, là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, giáo dục, là địa chỉ tin cậy của hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích vẫn chỉ tập trung vào khu vực Nội tự - nơi tiếp đón toàn bộ khách tham quan, các đoàn khách ngoại giao quốc tế, các đoàn học sinh, sinh viên. Đồng thời khu Nội tự cũng chính là nơi duy nhất diễn ra các sự kiện văn hóa-giáo dục, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật phục vụ các đoàn khách ngoại giao quốc tế, phục vụ khách tham quan... Còn hai khu vực vườn Giám và hồ Văn, đặc biệt hồ Văn do trở ngại về địa lý, giao thông (nằm cách biệt với khu Nội tự bởi phố Quốc Tử Giám, một tuyến phố có mật độ giao thông cao, lưu lượng phương tiện giao thông dày đặc) nên chủ yếu để cho nhân dân, cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh di tích tập thể dục, hoàn toàn chưa được quy hoạch, sử dụng và khai thác phục vụ khách tham quan.
Sở VHTT Hà Nội xin phép lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám trên các nội dung: Các giải pháp phát triển các sản phẩm văn hóa và du lịch: Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp mới; Các giải pháp thác triển dịch vụ, đa dạng hóa các dịch vụ cho du khách ở cả ba phân khu: Nội tự, vườn Giám và hồ Văn; Quy hoạch lộ trình, tuyến tham quan, hệ thống biển thông tin, chỉ dẫn đối với khách tham quan, nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với vấn đề giao thông, bãi đỗ xe...; Nâng cao công tác quản lý di tích: Đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn; Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động tham quan của khách du lịch đối với di tích, tác động môi trường, giải pháp kiểm soát ô nhiễm: Xử lý các không gian cây xanh-mặt nước, tổ chức thu gom và vận chuyển rác thải; Các giải pháp quy hoạch đô thị gắn với bảo tồn di sản (tạo sự lồng ghép hài hòa của di tích trong không gian đô thị, hướng tới bảo vệ và phát huy giá trị tốt hơn); Nghiên cứu, đánh giá và đề ra các phương án bảo tồn, tu bổ các công trình cổ, các giá trị cảnh quan kiến trúc của di tích; Công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh, giá trị di sản, tổ chức các sự kiện văn hoá, giáo dục phù hợp nhằm thu hút khách tham quan đến với di tích; Các giải pháp nâng cao ý thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cơ quan, của khách tham quan trong việc bảo vệ, giữ gìn giá trị di sản.
Thời gian thực hiện Quy hoạch là năm 2017 với sự hỗ trợ của Dự án hợp tác Phát triển đô thị Hà Nội thuộc Vùng Ile de France, Cộng hòa Pháp (cơ quan hợp tác giữa UBND TP. Hà Nội và Vùng Ile de France).