Học trò xin chữ và bài học về nét đẹp cội nguồn
Ông đồ thời @
Chơi chữ, xin chữ, cho chữ... là một nếp văn hoá đẹp của dân tộc, dù nghệ thuật thư pháp phải tựa trên khuôn chữ tượng hình của người Bắc, nhưng quan trọng là cái hồn cốt Việt náu mình trong vỏ chữ.
Trong văn học Việt Nam, bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên tái hiện bức tranh thư pháp Việt, đúng hơn là bức tranh văn hoá Việt theo bước đi của thời gian, từ vàng son tới hoang phế.
...“Những người muôn năm cũ /Hồn ở đâu bây giờ”? Câu hỏi ám ảnh trong lòng người Việt bao năm nay thật ra không dừng lại ở sự nuối tiếc một phong tục đẹp đã ra đi hay nỗi xót xa cho một nền văn hoá, thuở Hán học lùi bước trước văn minh Tây học, khi những ông đồ thức thời nhất đã "Vứt bút lông đi, giắt bút chì" (Trần Tế Xương), điều khắc khoải trong lòng người chính là nỗi đau trước sự băng hoại của những giá trị Chân - Thiện - Mỹ cao quí vốn thường được gửi gắm trong chữ nghĩa thánh hiền. Vẻ đẹp trong tâm hồn, cốt cách dân tộc mới chính là cái muôn năm cũ đã nhạt phai, tàn lụi theo thời gian, theo sự phát triển của văn minh vật chất.
Đó cũng là điều các thày cô trong trường phổ thông luôn thường mong muốn ghi khắc trong lòng trò qua bao thế hệ, mong những bức châm, những bức thư pháp được nâng niu trên tay các sĩ tử mỗi dịp xuân về không chỉ là CHỮ, mà phải là sự trân quí với Chân Thiện Mỹ, với đức nhân nghĩa trong tâm hồn cốt cách con người, cái nhân nghĩa hình như đã hư hao nhiều qua năm tháng.
Học sinh xếp hàng dài xin chữ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám vào sáng mùng 1 Tết Mậu Tuất (ảnh: Đình Cường). |
Mấy chục năm trời, người yêu thơ xót xa cho "Ông đồ" của thi nhân họ Vũ, không ít người nghĩ thú vui tao nhã "vang bóng một thời" sẽ một đi không trở lại bởi dòng chảy mãnh liệt của cuộc sống xã hội thời hiện đại.
Và đương nhiên đó cũng là lý do khiến những người nặng lòng hoài cổ tràn trề hi vọng khi vài năm nay, nét văn hoá hồn Nam chữ Bắc đã trở lại, bình mới và rượu cũng mới, với rất nhiều "ông đồ" thời @ vừa lướt web vừa đậm tô nét chữ. Các bức thư pháp không chỉ có chữ Hán mà còn linh hoạt đáp ứng yêu cầu của khách hàng thích thư pháp Việt hay thậm chí thư pháp Anh.
Những năm gần đây, mỗi dịp xuân về, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại đông nghịt những khách du xuân, hành hương đầu năm và xin chữ cầu may mắn. Dễ dàng nhận ra mong ước của từng người qua chữ được xin đầu năm, đông nhất là các sĩ tử chỉ còn vài tháng là vượt vũ môn trong kì thi quốc gia khốc liệt với các chữ Tuệ, Trí, Tài, Đạt, Thành..., các nam thanh nữ tú xin chữ Danh, Duyên, Lộc..., người kinh doanh xin chữ Phúc Vượng, Thịnh Lợi..., treo ở nhà chữ Phúc, chữ Tâm..., biếu bố mẹ chữ An, chữ Thọ...
Để “hồn cũ” trở về trong chữ
Không thể phủ nhận nét đẹp văn hoá Việt trong cả nhân cách, tài hoa, kiến thức của người viết chữ và tâm nguyện chính đáng của người xin chữ, tất cả đều muốn thông qua cái đẹp của nghệ thuật thư pháp, của những nét chữ thanh sạch mà hướng tới những mong ước đẹp đẽ cho cuộc sống con người - sự uyên bác tài hoa của những nhà Hán học tóc bạc hoặc tóc xanh, sự trân trọng thành kính của những người thuê viết với những giá tri tinh thần cao quí ngay giữa thời lên ngôi của văn minh vật chất đã giúp phục hưng một nét văn hoá đẹp, một mỹ tục thuần phong trong ngày Tết Việt.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận việc cho chữ, xin chữ ở nhiều góc độ. Trước khi di chuyển "phố ông đồ" vào Hồ Văn, rất nhiều mùa xuân trở nên "lỡ làng" với cái đẹp.
Bức tường rêu phong bên vỉa hè Văn Miếu trở nên nhếch nhác bởi sự hỗn độn của chặt chém, mặc cả, ồn ã, cạnh tranh giành khách của một số "ông đồ" nhanh nhạy phát hiện khả năng kinh doanh của một "góc tường văn hóa"!
Nhiều sĩ tử xin chữ trong sáng mùng 1 Tết Mậu Tuất cầu mong được đỗ đạt. (ảnh: Đình Cường) |
Và một điều cũng cần suy ngẫm, đó là tâm lý người xin chữ (thư pháp là lĩnh vực duy nhất dùng khái niệm "xin - cho" để thể hiện sự "mua - bán") - hình như có một nét tâm lý mang tính phổ biến của một thứ "hội chứng đám đông" - người ta luôn muốn làm theo và phải làm tốt hơn, nhiều hơn, nhanh hơn...
Có rất nhiều người không thuộc mặt chữ, không hiểu nghĩa chữ, nhất là không hẳn đã biết yêu từ nét chữ phượng múa rồng bay tới những tầng nghĩa sâu xa của chữ mà vẫn chen chúc bán mua.
Công bằng mà nói, con người thường tin vào cái mơ hồ huyễn hoặc bên ngoài mình hơn là tin mình, đó là khi con người hoang mang trước khoảng trống mênh mông trong mình, với những giá trị bản thân, và ngoài mình, với sự tốt đẹp, tử tế của cuộc đời. Khi ấy, như một bản năng, họ sẽ bám víu vào cõi ảo của tâm linh hoặc những yếu tố có thể đem tới cho con người chút hi vọng vào sự may mắn.
Hội chứng đám đông, tâm lý không chịu kém cạnh cùng niềm hi vọng nhiều khi mơ hồ, vu vơ... là nguyên nhân của những hiện tượng giật phết, cướp lộc, xin ấn... hỗn loạn mỗi dịp xuân về - và biết đâu, trong dòng người đổ về Hồ Văn, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám hàng năm cũng có không ít những nét tâm lý ấy cùng những hi vọng ảo huyền ấy!
Vậy là, trong sự phục hưng của một nét đẹp văn hoá, bên cạnh niềm vui, vẫn rất cần nhận rõ có những gì đã trở về, và những gì còn muộn màng đâu đó. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi những bức tranh thư pháp, dù viết theo văn tự nào cũng luôn gửi gắm niềm trân quí thực sự với cái Đẹp, khi những người cho chữ vì niềm vui được chia sẻ, người xin chữ vì niềm yêu với những giá trị cao khiết thanh sạch của chữ và hồn muôn năm cũ đã thực sự trở về trong chữ.
Đều này, gửi gắm thật nhiều mong đợi vào sự khơi thức của các thế hệ trước cùng sự tiếp nối, giữ gìn của những thế hệ sau, khi mùa xuân tới cùng hoa đào và những lớp học trò nâng niu bức tranh chữ, không chỉ vì sự may mắn mà chủ yếu vì sự tôn quí kính yêu với cái đẹp cội nguồn.