Kỷ lục của chiến sỹ xe thồ trong đoàn quân “ngựa sắt"
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Nguồn: TTXVN)
Đây là một trong những kỷ vật vô giá minh chứng cho chiến công hào hùng và sức sáng tạo phi thường của những người lính vùng đất Tổ Phú Thọ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mặc dù không còn được gặp ông trong cuộc sống hôm nay, nhưng những hình ảnh, kỷ vật về những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ, vượt hàng ngàn cây số vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của ông vẫn được gia đình và chính quyền địa phương lưu giữ như những báu vật.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cung cấp và tiếp tế được coi là vấn đề khó khăn nhất vì khoảng cách giữa tiền tuyến và hậu phương xa nhau hàng trăm kilômét, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá khó khăn. Hơn nữa, việc tiếp tế cần phải được tuyệt đối giữ bí mật nhằm tránh bị giặc đánh phá trên đường đi.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, đầu tháng 1/1954, ông Ma Văn Thắng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba (nay thuộc thị xã Phú Thọ) gia nhập đoàn dân công phục vụ tiền tuyến. Ông được phân công làm Đoàn trưởng đoàn xe đạp thồ tỉnh Phú Thọ gồm 100 người, có phiên hiệu là T20.
Ngày 10/1/1954, đoàn lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên. Nhiệm vụ chính của Đoàn T20 là chở hàng từ kho Âu Lạc (Yên Bái) lên chân đèo Pha Đin (Sơn La). Quãng đường dài hơn 200km qua 12 chiếc cầu và suối, qua nhiều đèo cao như đèo Mỵ, đèo Thiếu, đèo Lũng Lô...
Chiếc xe đạp hiệu “Lanh côn” do Pháp sản xuất, vốn của một người giàu có ở xã, được trưng dụng và giao cho ông Ma Văn Thắng sử dụng phục vụ chiến dịch Điện Biên. Với những chiếc xe đạp, trung bình mỗi chuyến, ông chỉ chở được 80-100kg gạo, nhưng cũng hết sức vất vả.
Trong quá trình vận chuyển, ông đã có sáng kiến buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1 mét, gọi là "tay ngai" vào ghiđông để điều khiển; một đoạn tre cao hơn yên xe khoảng 50cm buộc vào trục yên, vừa giúp giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi; hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe; lấy vải, quần áo cũ, săm cũ lót vào bên trong tăng độ bền của săm, lốp xe; bổ sung thêm 2 chiếc ghế, một chiếc để dựa xe trong lúc nghỉ chân, một chiếc để chèn xe khi xuống dốc.
Với cách làm này, ông tăng dần khối lượng lên đến hơn 300 kg/chuyến... Tiếp tục rút kinh nghiệm, cải tiến cách xếp, buộc, chuyến thứ hai ông chở 328kg, chuyến thứ 3 chở 400kg và các chuyến tiếp theo đều tương đương như vậy cho đến hết chiến dịch.
Sáng kiến và thành tích chở gạo của ông Thắng đã được nhiều người học tập, song cũng có người hoài nghi. Trong một lần chở hàng đến ngã ba Nghĩa Lộ, kết quả kiểm tra đột xuất cho thấy xe của ông chở khối lượng hàng hóa là 325kg. Kỷ lục này được Ban chi viện chiến dịch xác nhận, biểu dương rộng rãi toàn mặt trận.
Trên đường vận chuyển, Đoàn T20 thường bị máy bay địch oanh kích, bắn phá, có lúc gặp phải bom chưa nổ, anh em trong đoàn phải kéo bom xuống vực để giải phóng đường, hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển đúng thời hạn. Kết thúc chiến dịch, Đoàn xe đạp thồ T20 Phú Thọ đã vận chuyển được 85 tấn hàng cho mặt trận, vượt chỉ tiêu 15%, được tặng thưởng Cờ “Nông Lâm Quốc tế.”
Riêng ông Ma Văn Thắng đã vận chuyển được 3.700kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100km đường rừng núi và chiếc xe ông sử dụng để phục vụ chiến dịch đã trở thành chiếc xe đạp thồ đạt năng suất cao nhất chiến dịch. Với thành tích nổi bật, ông Thắng đã được Ban Chỉ huy chiến dịch và Ban Cung cấp mặt trận tặng thưởng hai Bằng khen, một Huân chương Chiến công hạng Ba.
Cùng nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị, thể hiện sự đóng góp to lớn của quân và dân Tây Bắc trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Quân khu 2, chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục vận chuyển khi phục vụ chiến dịch là một minh chứng cho sức mạnh vô song của quân và dân ta làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu./.
Theo TTXVN