Kiểm tra việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Bình Phước
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp |
Theo Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân của tỉnh Bình Phước, xác định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước làm rõ những vấn đề mà Đoàn kiểm tra đặt ra đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Giám đốc Sở Tư pháp Bình Phước Bùi Minh Phụng cho biết, hiện Tổ biên tập của tỉnh đã gửi báo cáo cho Thường trực Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp, việc lấy ý kiến bám sát theo chỉ đạo của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Đến nay, Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước đã nhận được 556 báo cáo, văn bản góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến đóng góp đều thống nhất khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản thể hiện tính kế thừa của Hiến pháp hiện hành và có nhiều điểm mới, nhiều điều khoản thể hiện sự tiến bộ, đáp ứng sự phát triển của đất nước.
Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, hoạt động tuyên truyền về lấy ý kiến đi vào chiều sâu, phong phú, đa dạng với sự vào cuộc của các cơ quan thông tin trong tỉnh, hệ thống truyền thanh xã, phường, huyện thị.
Đặc biệt, với sự tham gia của đội ngũ 615 báo cáo viên là cán bộ, công chức am hiểu pháp luật, đường lối của Đảng, quá trình lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm người dân, đi xuống các địa bàn trong toàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, công nhân trong các nông trường cao su. Từ đó tạo sức lan toả trong 41 dân tộc anh em trong địa bàn tỉnh.
Dự kiến thời gian tới, Ban Tuyên giáo sẽ tổ chức đợt khảo sát dư luận xã hội về đợt góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân. Đồng thời, phát huy hơn nữa việc đưa báo cáo viên đến các cấp cơ sở.
Tại cuộc làm việc, các thành viên trong Đoàn Kiểm tra cũng góp ý, trao đổi kinh nghiệm, cách làm với tỉnh Bình Phước về một số vấn đề cần được triển khai cụ thể, chính xác trong quá trình lấy ý kiến, các báo cáo cần phản ánh được chiều sâu, chiều rộng ý kiến của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa bởi đây là dịp nâng cao ý thức chính trị của nhân dân.
Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn Kiểm tra cũng chỉ ra hạn chế của các báo cáo mới chỉ là sự tập hợp số liệu, chưa có sự lý giải sâu sắc từ ý kiến đóng góp của nhân dân. Do đó, Bình Phước cần vận dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tiễn của địa phương.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, quá trình lấy ý kiến phải quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Việc triển khai phải thực chất, tránh hình thức, chiếu lệ hay chạy theo số lượng mà không chú trọng đến hiệu quả của cuộc vận động to lớn này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Phước cần khắc phục một số hạn chế như số liệu trong các báo cáo cần cụ thể, tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến của nhân dân. Số người tham dự, phát biểu ý kiến còn ít. Do đó, quá trình tổ chức lấy ý kiến chưa thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng rãi trong nhân dân; việc tổng hợp, thống kê chưa đầy đủ; lý giải, phản biện một số vấn đề chưa sâu để nhân dân có cái nhìn trung thực, khách quan.
Thời gian tới, Bình Phước cần tranh thủ ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, cán bộ công chức, các nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo nhằm tập hợp được phong phú các ý kiến. Việc đóng góp ý kiến còn kéo dài đến Kỳ họp cuối năm của Quốc hội, vì vậy, Bình Phước cần tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia đông đảo hơn nữa. Muốn vậy phải đổi mới cách làm cho phù hợp với tình hình địa phương, nâng cao hiệu quả của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Theo Chinhphu.vn