Khủng hoảng tị nạn: EU cân nhắc trừng phạt những thành viên “cá biệt”
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh, Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa phải đối mặt với làn sóng người nhập cư mới ồ ạt đổ vào châu lục, được dự báo không kém phần căng thẳng như cuộc khủng hoảng năm 2015- 2016.
Vấn đề người tị nạn đang gây chia rẽ châu Âu nhất là giữa các nước tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận tiếp cận người nhập cư và những nước bị coi là "cá biệt" trong vấn đề này. ảnh: AP |
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Brussels (Bỉ), phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cảnh báo, Liên minh châu Âu có thể sẽ mở tiến trình tố tụng đối với những nước thành viên không thực hiện cam kết trong việc tiếp nhận người nhập cư.
Theo ông Timmermans, tháng 12 năm ngoái, đã có gần 2.000 người nhập cư được tái định cư tại Liên minh châu Âu và tháng 1 hơn 1.500 người. Song, những con số này vẫn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu mà Ủy ban châu Âu đã đề ra, yêu cầu mỗi tháng phải tái định cư cho 1.000 người tị nạn đang chờ đợi tại Italia và 2.000 người tại Hy Lạp.
Ủy ban châu Âu yêu cầu những nước thành viên gương mẫu của khối gây sức ép với những nước khác. Tuy nhiên, phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Timmermans cũng thừa nhận, biện pháp này chỉ mang tính ngắn hạn.
Cuộc khủng hoảng nhập cư đã đặt các nước thành viên của Liên minh châu Âu trước bài toán an ninh và xã hội không dễ giải quyết ngay trong chính quốc gia của mình.
Dù lượng người di cư vượt biển vào Liên minh châu Âu trong năm 2016 đã giảm nhưng cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện những xu hướng đáng lo ngại, đó là nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, làn sóng người di cư mới từ Libya.
Nhóm họp ngày 8/2 tại thành phố Viên, Áo, Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng 16 nước Trung và Đông Nam Âu đã nhất trí soạn thảo kế hoạch B nhằm bảo vệ các đường biên giới trong trường hợp thỏa thuận đạt được giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ.
Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka nói: “Chúng tôi muốn thiết lập một cơ chế phối hợp, có thể tự động thích nghi với mọi tình hình, trong đó không chỉ về các mối quan hệ ngoại giao, mà còn là khuôn khổ hành động cho các nước thành viên trong đối phó với những thách thức cụ thể”.
Đạt được tháng 3/2016, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ cho phép giảm mạnh số người nhập cư vào Liên minh châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Hy Lạp và các nước Balkan. Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cảnh báo sẽ chấm dứt hợp tác, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên xấu đi trông thấy trong thời gian gần đây.
Theo thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc Jakub Landovsky, nếu quan hệ giữa hai bên không thể được duy trì ở mức tốt nhất có thể, EU sẽ phải chuyển sang các phương án khác: “Cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát, vượt qua các đường biên giới và các thể chế.
Vì thế chúng ta có mặt ở đây là để chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra. Chúng ta cần một kế hoạch B trong trường hợp thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ thất bại”.
Chính vì thế, dù mục tiêu hàng đầu lúc này là duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, song Liên minh châu Âu vẫn không ngừng thúc đẩy sự đoàn kết của khối, đồng thời hướng tới những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với những quốc gia thành viên không tôn trọng các nghĩa vụ liên quan tới quyền lợi của khối./.