Không giao bài tập về nhà, giảm tải áp lực cho học sinh
Với chương trình năm nay có nhiều đổi mới các trường lên kế hoạch giúp giáo viên linh động trong việc xây dựng kế hoạch không giao bài tập về nhà cho học sinh |
Tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Sông Công từ nhiều năm nay nhà trường đã thực hiện việc không giao bài tập về nhà cho học sinh và tất cả bài tập của học sinh sẽ được thực hiện toàn bộ trên lớp. Tuy nhiên, do chương trình năm nay có nhiều đổi mới, vì vậy để gỡ khó cho phụ huynh và giáo viên khi chương trình nặng mà lại không được giao bài về nhà, hiện các trường lên kế hoạch giúp giáo viên linh động trong việc xây dựng kế hoạch.
Cô giáo Mẫn Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Sông Công cho biết: “Riêng đối với các em học sinh lớp 1 năm nay thì có một khung chương trình mở sáng 5 tiết, chiều 2 tiết. Thời gian còn lại để các em học môn tự chọn theo nhu cầu của phụ huynh và các em đăng ký, không gây áp lực cho học sinh và phụ huynh”.
Cũng giống như trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thì trường Tiểu học Bách Quang, thành phố Sông Công đã nghiêm túc thực hiện việc không giao bài tập cho học sinh. Song theo các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình lớp 1 thì yêu cầu bài học của chương trình GDPT mới cao hơn nhiều so với chương trình cũ. Vì vậy để hoàn thành bài tập trên lớp cô và trò của nhà trường cũng phải rất nỗ lực.
Các giáo viên sẽ tăng cường kèm cặp học sinh ngay trên lớp. |
Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền, trường Tiểu học Bách Quang, thành phố Sông Công thì chia sẻ: “Những cô giáo như chúng tôi thì kèm cặp các em học sinh có học lực yếu hơn ở ngay giờ ra chơi để các em hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp”.
Cô giáo Vũ Thị Hiểu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bách Quang, thành phố Sông Công phân tích về cách làm:“Theo tình hình thực tế, những em học yếu hơn chúng tôi sẽ phân viết từ, luyện tiếng. Còn những mà chậm, chưa nhớ âm thì chúng tôi chỉ cho viết âm thôi. Chúng tôi dạy theo năng lực của học sinh và giao bài tập cũng phù hợp với năng lực của các con”.
Bên cạnh đó, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1 rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy, ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chương trình để báo cáo với cấp quản lý, sau đó chuyển cho các nhà xuất bản để điều chỉnh SGK cho phù hợp khi tái bản. Sở cũng đề nghị tùy theo mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy... để vừa sức với các em, giúp các em dễ dàng tiếp thu, nắm vững bài học./.