Giáo dục ATGT trong trường học - nhìn từ bậc học mầm non
Đồ dùng an toàn giao thông được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong sinh hoạt hàng ngày của các gia đình, nhà trường. |
Những đồ chơi, đồ dùng an toàn giao thông được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong sinh hoạt hàng ngày của các gia đình, nhà trường. Đơn giản từ những bìa thùng bìa cát tông, hay những miếng xốp, vỏ lon bia, lõi giấy vệ sinh…các giáo viên mầm non đã tận dụng để sáng tạo ra nhiều mô hình, đồ chơi như: ô tô, xe máy, biển - đèn tín hiệu giao thông…từ đó giúp trẻ được trải nghiệm về ATGT ngay chính tại trường mầm non và góp phần giáo dục toàn diện nhân cách cho trẻ.
Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh, Trường Mần non Bình Sơn, TP Sông Công cho biết: "Tích hợp các hoạt động trong ngày giúp trẻ phân biệt, nhận biết được một số phương tiện giao thông về đường bộ, đường thủy, đường hàng không, một số quy định trong an toàn giao thông".
Cùng với việc tự tạo các đồ chơi, đồ dùng cho việc học ATGT, thời gian qua, nhiều trường Mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cấp phát các tài liệu, hỗ trợ thiết bị, hướng dẫn giáo dục ATGT. Cùng với đó, thực hiện chương trình “Tôi yêu Việt Nam”, Sở GD&ĐT phối hợp Ban ATGT tỉnh đã hỗ trợ cấp phát Bộ đèn tín hiệu giao thông cho các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện thí điểm chương trình; các trường cũng đã chủ động trong việc sưu tầm, sáng tác thơ ca, hò vè, trò chơi vận động theo chủ đề…giúp trẻ được trải về ATGT khi đến trường.
Ngày hội an toàn giao thông của trường mầm non Lương Sơn, TP Sông Công. |
Bà Mai Thị Hà, Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ thông tin: "Ngoài các hoạt động trong giờ học ra chúng tôi tổ chức các hoạt động trải nghiệm về an toàn giao thông, đây là hoạt động rất thiết thực đối với trẻ, các nhà trường đều có mô hình vẽ về ngã tư đường phố, các hoạt động trải nghiệm cho các con thực tế tại mô hình đó".
Cùng với việc đổi mới phương pháp giáo dục về ATGT cho trẻ thông qua các trang thiết bị giáo dục sẵn có, hoặc thông qua các tập phim hoạt hình về ATGT, mô hình giao thông, các trò chơi, kể chuyện…thì việc hình thành thói quen hằng ngày cho trẻ khi tham gia giao thông cùng gia đình là giải pháp quan trọng để trẻ biết và nhận thức được tầm quan trọng của luật giao thông, cũng như giúp trẻ biết tự bảo vệ mình và những người xung quanh.
Cô giáo Nguyễn Thị Út Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, TP Thái Nguyên cho biết: "Trường chúng tôi đã xây dựng một môi trường an toàn trong nhà trường, phía ngoài cổng trường với cán bộ giáo viên, nhân viên đã nhận thức sâu sắc về vấn đề đảm bảo an toàn cho các con".
Bà Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2024 - 2028 theo như chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, và đây là những nội dung cần thiết để hướng dẫn cho giáo viên biết cách tích hợp một cách phù hợp theo độ tuổi của trẻ trong việc giảng dạy trẻ em mẫu giáo tại các cơ sở giáo dụng mầm non".
Để thực hiện có hiệu quả ATGT học đường, cần có sự chung sức của 3 bên: nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Đối với mỗi trường học, trong đó có các trường mầm non, việc tiếp tục đa dạng hoá các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Đi đôi với đó, mỗi gia đình cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật của con em mình, góp phần giảm thiểu các vụ vi phạm và tai nạn giao thông./.