Iran tìm đến Nga, Trung Quốc để đối trọng với Mỹ và đồng minh
Trước căng thẳng với Mỹ và các đồng minh phương Tây, Arab tại vùng Vịnh; Iran đang tìm tới Nga và Trung Quốc như một “đối trọng cần thiết”, để cân bằng cán cân quyền lực trong khu vực.
Từ trái sang: Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Iran Rouhani và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Dunya News |
Theo hãng thông tấn Fars của Iran, kế hoạch tập trận chung này được đánh giá là một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran và Moscow.Trong chuyến thăm Nga, Người đứng đầu lực lượng hải quân Iran - Chuẩn đô đốc Hossein Khanzadi hôm qua thông báo, Iran đã ký một văn bản “chưa từng có” về việc mở rộng quan hệ với Nga, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hải quân. Theo đó, hải quân Iran đã lên kế hoạch thực hiện các cuộc tập trận chung với Nga tại Ấn Độ dương, trong đó bao gồm cả eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư.
Điều đặc biệt hơn, việc Nga và Iran lên kế hoạch tập trận chung tại vùng Vịnh diễn ra đúng thời điểm “nhạy cảm” khi Mỹ, Anh mới đây kêu gọi thành lập các Liên minh quân sự quốc tế riêng, để bảo vệ tự do hàng hải tại đây - mà theo Iran, nó có mục đích “thù địch”, nhằm chống lại nước này.
Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết: “Họ muốn đưa hạm đội chiến tranh châu Âu vào Vịnh Ba Tư. Chúng tôi nghĩ rằng những hành động như vậy là sự khiêu khích trong bối cảnh hiện tại. Nó có một thông điệp thù địch. Nó sẽ tạo thêm những căng thẳng”.
Chính vì vậy, việc Nga – Iran lên kế hoạch tập trận chung còn có thể là 1 lời cảnh báo của Iran đối với Mỹ và phương Tây, rằng Iran sẽ không “đơn lẻ” trong 1 cuộc đối đầu quân sự nếu có.
Trong khi đó, để đối phó với nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ, với việc các nước phương Tây không thể bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran cũng đã có cách hóa giải vấn đề. Hôm qua, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri cũng đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia thân thiện với Iran mua thêm dầu mỏ của nước này. Lời kêu gọi này được đưa ra trong buổi tiếp với ông Tống Đào (Song Tao), quan chức cấp cao Trung Quốc đang ở thăm Iran.
Ngoài việc tìm đối trọng về quân sự, hóa giải sức ép trừng phạt kinh tế, Iran mới đây cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng hòa giải với Saudi Arabia – một đối thủ trong khu vực và là đồng minh của Mỹ. Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố Tehran sẵn sàng đối thoại với Riyadh về các vấn đề còn tồn đọng mà không đi kèm điều kiện tiên quyết nào.
Tuyên bố là vậy, song các vấn đề tồn đọng giữa Iran và Saudi Arabia, từ trong quá khứ đến nay, sẽ khó có thể hóa giải trong 1 sớm 1 chiều, từ mâu thuẫn về tôn giáo, chính trị, sức ảnh hưởng của các bên trong khu vực. Tuy nhiên, một tuyên bố như vậy của Iran trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ giải tỏa căng thẳng phần nào tại vùng Vịnh nói chung và tại eo biển Hormuz nói riêng – nơi Saudi Arabia cũng có khá nhiều lợi ích./.