Idlib (Syria) trước giờ G sẽ là mồ chôn khủng bố hay cái cớ để Mỹ động binh
Tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố và nổi dậy ở tây bắc Syria đã trở thành khu vực tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn. Hiện tại, quân đội Syria đang chuẩn bị phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Tuy nhiên, chiến dịch này vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của Mỹ. Giới quan sát cho rằng, tình hình tại Idlib hiện giờ trở thành lý do duy nhất để Mỹ hiện diện tại Syria trong bối cảnh nước này đang mất dần ảnh hưởng trong khu vực.
Các thành viên của tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra hoạt động ở Idlib. Ảnh: Reuters |
Mỹ mất phương hướng tại Syria
Căng thẳng tiếp tục leo thang liên quan đến chiến dịch giải phóng Idlib sắp diễn ra của chính phủ Syria. Trong khi đó có nhiều thông tin về việc các phần từ khủng bố đang chuẩn bị thực hiện hành vi khiêu khích sử dụng vũ khí hóa học và liên minh do Mỹ dẫn đầu đe dọa tấn công các lực lượng của chính phủ Syria trong trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng tại Idlib hoặc các nơi khác tại Syria.
Việc Mỹ phản đối gay gắt kế hoạch của Tổng thống Bashar al-Assad giải phóng tỉnh Idlib – nơi có 7.000 phần tử phiến loạn, trong đó có Tahrir al-Sham, tổ chức che chắn cho nhiều nhóm khủng bố, là điều đáng ngạc nhiên, trái ngược hoàn toàn với động thái của Washington bật đèn xanh cho các lực lượng chính phủ Syria tiến về phía nam hồi tháng 6 vừa qua.
Hôm 24/6, hãng tin Reuters đưa tin, Mỹ đã thông báo cho phiến quân Syria tại khu vực phía nam rằng, họ không nên mong đợi sự hỗ trợ của quân đội Mỹ giúp chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng chính phủ Syria nhằm giành lại khu vực miền Nam giáp ranh với Jordan và Cao nguyên Golan hiện do Israel kiểm soát.
Nhà phân tích chính trị gốc Syria Ghassan Kadi cho biết, không có chiến lược cụ thể nào sau việc thay đổi kể hoạch của Mỹ đối với Syria. Phát biểu với hãng tin Sputnik, ông Kadi nói: “Nếu những thông điệp Mỹ đưa ra lộn xộn và dễ gây hiểu nhầm tìđó là bởi vì bản thân chúng như vậy. Tôi cho rằng chính người Mỹ cũng đang bối rối. Mỹ không có một kế hoạch cụ thể nào cho Syria. Kế hoạch ban đầu của nước này đã thất bại và điều duy nhất họ có thể làm là khiến tình hình Syria trở nên hỗn loạn hơn”.
Nhiều tín hiệu gây tranh cãi tiếp tục được phát đi từ Washington. Tờ Nhật báo phố Wall tiết lộ Nhà Trắng không loại trừ khả năng tấn công các cứ điểm của Nga và Iran tại Syria trong trường hợp quân đội của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Chính phủ Syria từng nhiều lần khẳng định với Mỹ rằng, nước này đã phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cách đây nhiều năm. Nhưng Mỹ dường như không quan tâm.
“Các chính sách của Mỹ đối với Syria giống như việc một cậu học sinh phải lựa chọn làm bài tập về nhà hoặc phải lên giường đi ngủ. Không sự lựa chọn nào là dễ chịu”, ông Ghassan Kadi nhấn mạnh.
“Người Mỹ lựa chọn hỗ trợ các nhóm phiến quân tại Syria để phục vụ cho các mục đích riêng của mình, nhưng điều đó không giúp họ giành được chiến thắng. Bây giờ Mỹ buộc phải lựa chọn giữa việc cho phép các lực lượng của Nga và Syria chiến thắng hay khủng bố chiến thắng. Bằng cách nào đó, Mỹ nghĩ rằng có thể có một lựa chọn thứ ba, một lựa chọn phù hợp với chương trình nghị sự của nước này, nhưng thực tế lại đi ngược với mong muốn của họ, họ sẽ phải chấp nhận sự sụp đổ không thể tránh khỏi của những kẻ khủng bố ở Idlib”, nhà quan sát này khẳng định.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chịu trắng tay
Dẫu vậy, Mỹ không đơn độc trong mong muốn ngăn chặn chiến dịch tấn công Idlib của chính phủ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang kêu gọi các đồng minh bảo trợ cho tiến trình đàm phán hòa bình về Syria tại Astana, gồm Nga và Iran gây ảnh hưởng đề trì hoãn chiến dịch giải phóng Idlib. Một bài viết đăng trên tờ Nhật báo phố Wall ngày 11/9 cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đang hối thúc cộng đồng quốc tế ngăn cản chiến dịch tấn công Idlib. Thông tin này được công bố 4 ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tehran (Iran).
“Giống như Mỹ, Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Erdogan cũng đang tìm cách ghi điểm. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục trắng tay dù nước này từng ôm mộng bước vào Syria như một “kẻ chinh phục”. Đó là lý do tại sao Thổ Nhỹ Kỳ tiếp tục hiện diện tại Syria bất chấp mối quan hệ song phương với Mỹ ngày càng xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng tìm kiếm một nghị quyết mới về Syria và điều đó có thể khiến nước này hài lòng ở một mức độ nào đó. Với cách nhìn như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sự trì hoãn nào trong chiến dịch giải phóng Idlib có thể mang đến cơ hội như vậy. Song trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và chính phủ Syria lại muốn không kích Idlib ngay lúc này”.
Khủng bố-cái cớ để Mỹ hiện diện tại Syria
Christopher Assad, nhà quan sát chính trị tại Canada nhấn mạnh, việc loại bỏ tổ chức khủng bố tại tỉnh Idlib sẽ tước đi quân bài quan trọng nhất mà liên minh do Mỹ đứng đầu sử dụng để gây sức ép đối với Syria và người Kurd.
Ông Christopher Assad cho rằng, “Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã hành động theo cơ chế đồng bộ nhằm chống lại chủ quyền và sự hợp nhất lãnh thổ Syria tại các khu vực Manbij, Raqqa, Deir-Ezzor, Qamishli và Idlib. Đây là các khu vực có nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào và nền nông nghiệp phát triển, vì thế chúng tạo thành huyết mạch chính của nền kinh tế Syria. Syria không thể tồn tại lâu dài mà không có các khu vực phía Bắc và Đông bắc”.
Theo ông, sự hiện diện của khủng bố tại Syria đã tạo ra cái cớ cần thiết để Mỹ bước vào quốc gia Trung Đông này, và “biện minh” cho việc Mỹ chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Syria bất hợp pháp của Wasshington. Nhà quan sát này cho rằng Mỹ không có ý định sớm rời khỏi Syria. Trái ngược với Mỹ, Iran và Syria cùng chung quan điểm với Nga cho rằng, chủ nghĩa cực đoan, dưới mọi hình thức cần phải bị xóa sổ vì nó tạo ra mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia trong khu vực và thậm chí ngoài khu vực.
“Nga đã mất rất nhiều công sức để tạo ra khu vực giảm căng thẳng ở Syria và khuyến khích tìm kiếm giải pháp cho xung đột dựa trên tiến tình chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Trong 3 năm qua, Nga đã chịu tổn thất không nhỏ về người và của nhằm mang lại hòa bình cho Syria. Vì thế không có lý do gì để cho rằng, việc phương Tây đe dọa tấn công Syria với lý do là các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được dàn dựng sẵn sẽ bị lờ đi, khi mà trên thực tế tất cả các phần tử Hồi giáo cực đoan đang quy tụ tại Idlib”.
Theo nhà quan sát trên, ở thời điểm hiện tại quan điểm cứng rắn của Mỹ và phương Tây sẽ vấp phải quan điểm còn cứng rắn hơn nhiều bởi “trục đối kháng”- ám chỉ Iran, Syria, Hezbollah ở Lebanon và nhóm Hồi giáo Hamas của Pakistan ở Dải Gaza, do Nga, Trung Quốc hậu thuẫn. Ông khẳng định: “Nếu Mỹ tính toán sai lầm và tấn công Syria ngay lúc này thì chắc chắc chắn Mỹ sẽ phải nếm trái đắng vì quyết định sai lầm của mình”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tấn công vào các cứ điểm của quân đội chính phủ Syria hai lần với cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tại khu vực Khan Sheikhoun tháng 4/2017 và Douma vào tháng 4/2018./.