Hy vọng mới phá vỡ bế tắc hòa đàm Syria
Cuộc hòa đàm nhằm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, trong thời gian tới sẽ tập trung thảo luận vấn đề chuyển tiếp chính trị - một trong những vấn đề gây trở ngại lớn nhất tại các vòng hòa đàm giữa các bên liên quan.
Quang cảnh vòng đàm phán hòa bình ở Syria diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng 1. (Nguồn: NPR) |
Thông tin này đã được ông Nasr al-Hariri, trưởng đoàn đàm phán của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) – đại diện phe đối lập chính ở Syria xác nhận. Đây được xem là tia hy vọng cho tiến trình hòa đàm bế tắc lâu nay.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura tại Geneva, ông Nasr al-Hariri cho biết ông đã được đặc phái viên Mistura thông tin rằng các đại diện của Chính phủ Syria có kế hoạch thảo luận về vấn đề chuyển tiếp chính trị. Đây là lần đầu tiên ông thảo luận về vấn đề chuyển tiếp chính trị và nhiều vấn đề có liên quan với Đặc phái viên Mistura. Diễn biến tích cực này hoàn toàn nhờ vào sự tác động của Nga.
Ông Hariri nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng, chuyển giao chính trị là một vấn đề chính trên bàn đàm phán. Đã có các cuộc thảo luận sâu đầu tiên về các vấn đề liên quan đến chuyển giao chính trị. Chúng tôi đã nhận thông tin này từ Đặc phái viên Mistura. Tất nhiên, đây là một con đường dài và cần phải có các cuộc thảo luận và đàm phán sâu hơn. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng, đã có bước tiến đầu tiên về vấn đề này”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán tại Geneva cần phải tập trung vào việc thống nhất quan điểm của các bên liên quan về quá trình chuyển giao và một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Ông Lavrov: “Việc thảo luận về tiến trình chính trị dựa trên sự cần thiết phải có một quan điểm thống nhất về việc Syria sẽ được quản lý như thế nào trong quá trình chuyển giao.
Một chính phủ đoàn kết dân tộc cho quá trình chuyển giao nên được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an và trên cở sở đồng thuận giữa chính phủ và toàn bộ phe đối lập Syria. Sau đó theo quyết định của Liên Hợp Quốc, tiến trình chính trị nên tập trung vào soạn thảo Hiến pháp mới và tổ chức sớm các cuộc bầu cử theo hiến pháp mới”.
Vòng đàm phán hiện tại giữa các bên tham chiến tại Syria được nối lại ngày 23/2 tại Geneva là vòng hòa đàm thứ 4 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực luôn là vấn đề gây trở ngại lớn nhất trong các vòng đàm phán khi Chính phủ Syria khẳng định số phận của ông Assad không thể đưa ra thảo luận.
Kể từ tháng 4/2016, vị thế của phe đối lập giảm đáng kể giữa lúc các lực lượng Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, chiến thắng trên nhiều mặt trận quan trọng, đặc biệt là tại tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria.
Trong bối cảnh đã có tia hy vọng cho cuộc hòa đàm Syria bế tắc lâu nay, giao tranh giữa quân Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy vẫn tiếp diễn tại khu vực ngoại ô thủ đô Damascus trong ngày 1/3.
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền, cuộc giao tranh này đã khiến 13 binh sỹ chính phủ thiệt mạng. Trong hai tuần qua, bạo lực liên tiếp xảy ra tại khu vực ngoại ô Damascus sau khi quân chính phủ ra sức chia cắt khu vực quân nổi dậy chiếm đóng ở quận Qabun bất chấp việc tồn tại một thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ từ năm 2014./.