Huy động lực lượng chống đâm va cây cầu "vắt" qua 3 thế kỷ
Cầu Long Biên hiện là cây cầu duy nhất ở Hà Nội "sống" qua 3 thế kỷ (ảnh: Hữu Nghị) |
Theo đó, từ ngày 10/7 đến 31/10, tại cụm cầu Long Biên và Chương Dương, lực lượngg sẽ thường trực tại khu vực thượng lưu và hạ lưu cầu, để làm nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn phương tiện thủy va trôi, va đập vào trụ cầu, ứng phó sự cố, thiên tai trong mùa lũ, mưa bão năm 2017
Tại khu vực thường trực có các báo hiệu giao thông, tín hiệu để phương tiện thủy lưu thông qua khu vực nhận biết. Phương tiện thường trực tại cụm cầu Long Biên, Chương Dương gồm 1 đầu máy thủy 243CV, xuồng cao tốc và nhân lực là các thuyền trưởng.
Cục Đường thuỷ cho hay, cùng với nhiệm vụ phòng ngừa sự cố đối với phương tiện thủy và hạ tầng giao thông, lực lượng này sẽ tham gia cứu hộ cứu hộ giao thông thủy, ứng cứu sự cố tại cụm trực trên sông Hồng.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899 - 1902). Chiều dài toàn cầu là 1.862m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ.
Cầu Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19. Đây cũng là cây cầu duy nhất ở thủ đô “sống” qua 3 thế kỷ và được đánh giá là một trong những cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á thế kỷ XX.
Trong khi đó, cầu Chương Dương là được khởi công xây dựng năm 1983 và hoàn thành năm 1985.
Cầu Chương Dương có tổng chiều dài 1.230m gồm 21 nhịp, trong đó có 11 nhịp thép và 10 nhịp bê tông với tải trọng xe 30 tấn. Cầu có 4 làn xe chạy hai chiều, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m.
Việc đưa cầu Chương Dương vào khai thác đã chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Cầu Chương Dương là cây cầu lớn đầu tiên được Việt Nam thiết kế và thi công mà không cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Năm 2016 ghi nhận 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa khi sà lan đâm sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) và tàu thuỷ đâm gãy cầu An Thái (tỉnh Hải Dương). Nguyên nhân là do các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông.
Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh khiến giao thông trên tuyến bị cắt đứt, tuyến đường sắt Bắc - Nam “tê liệt” nhiều ngày.