9 điểm đến khắp Việt Nam cho người hoài cổ
Cầu Long Biên
Gắn liền với hình ảnh của Hà Nội từ thế kỉ XIX cho đến nay, cầu Long Biên dường như đã trở thành biểu tượng để gợi nhớ về Hà Thành xưa. Vẻ đẹp mộc mạc của cầu và khung cảnh thiên nhiên xung quanh để lại cho những ai tham quan một cảm xúc bồi hồi khó tả.
Vẻ đẹp của cây cầu thế kỷ trong ánh hoàng hôn. |
Cầu Long Biên là cây cầu dây thép đầu tiên bắc qua hai bờ sông Hồng, Hà Nội, do người Pháp xây dựng. Trong chiến tranh, cầu Long Biên từng bị ném bom nhiều lần dẫn đến hư hỏng nặng, thậm chí hai trụ lớn đã bị cắt đứt.
Nếu có dịp đi ngang cầu Long Biên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cây cầu được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp, mang một vẻ đẹp mộc mạc nhưng tao nhã, bình dị và gần gũi.
Làng cổ Đường Lâm
Nằm ở ngoại ô Hà Nội, làng cổ Đường Lâm được nhớ đến với vẻ đẹp của một vùng đất thanh bình, là điểm đến lí tưởng dành cho những ai yêu thích chốn cổ kính và những gì thuộc về “kí ức”.
Không ồn ào như thành phố, Đường Lâm nằm trong số ít địa điểm vẫn giữ được nét đẹp của ngôi làng xưa với sân đình, bến nước, cây đa, chùa, miếu... |
Làng có hơn 1.000 ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ XVII bằng những vật dụng hết sức gần gũi như: tre, nứa, mái ngói, đá ong… Vừa đặt chân đến Đường Lâm, bạn sẽ cảm nhận ngay đặc trưng của những khu làng cổ ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Điểm đặc biệt của ngôi làng này chính là cây đa cổ thụ 300 năm tuổi, con đường vào làng được lát gạch, những bức tường vàng đã ngả màu thời gian…, tạo nên khung cảnh vừa nên thơ, vừa cổ kính.
Chùa Dâu
Chùa Dâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội hơn 30 km. Chùa Dâu được xem là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 187 và hoàn thành năm 226, được công nhận là di tích lịch sử vào năm 1962.
Chùa Dâu được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, là ngôi chùa cổ nhất và là nơi khởi nguồn của đạo Phật Việt Nam. |
Trải qua nhiều lần tôn tạo, chùa Dâu ngày nay mang lối kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18) với bốn dãy nhà kết nối với nhau thành hình chữ nhật. Trong chùa thờ rất nhiều tượng của các vị Hộ pháp, La Hán, Bồ Tát, Thánh Tăng… và rất nhiều tượng phật. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18.Giữa sân chùa còn có ngôi tháp Hòa Phong cao 17 m, thờ 4 vị thiên vương cai quan 4 phương trời đất.
Làng cổ Phước Tích
Làng cổ Phước Tích nép mình bên dòng sông Ô Lâu, cách trung tâm thành phố Huế 45 km. Nơi đây nổi tiếng bởi sự lưu giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của làng quê miền Trung.
Tên gọi đầu tiên của làng là Phúc Giang, như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.
Làng Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm. |
Ngôi làng được quy hoạch theo không gian kiến trúc, chia làm ba xóm gắn liền nhau. Đến làng cổ này, du khách sẽ cảm nhận được vẻ thơ mộng của làng quê, vẻ thanh bình qua những ngôi nhà, khoảng sân hay chiếc cổng rào.
Một nét độc đáo trong kiến trúc nhà vườn ở Phước Tích là gia đình nào cũng có một bể chứa nước trong sân và hai chiếc gầu múc nước. Nguồn gốc của sự xuất hiện 2 đồ vật này, ấy là do ngày xưa nhà nào cũng có lò nung gốm, mà nhà rường thời trước lợp mái lá nên hay xảy ra hỏa hoạn. Công dụng của bể nước và gầu dùng để phòng khi có hỏa hoạn chủ nhà có thể tự chữa cháy.
Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nơi đây từng là một thương cảng sầm uất, nơi giao lưu mua bán của những thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây vào thế kỷ 17-18.
Phố cổ Hội An lọt top 10 thị trấn đẹp nhất thế giới. |
Năm 1999, phố cổ Hội An được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi lối kiến trúc đậm nét truyền thống và những giá trị văn hóa phi vật thể. Ngày nay, Phố cổ Hội An vẫn giữ được hồn xưa tích cũ với những ngôi nhà cổ nhuộm màu rêu phong phủ kín.
Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể di tích gồm nhiều nhà ở, đình chùa, miếu, chợ... và những cửa hàng bán lồng đèn vô cùng đẹp mắt.
Cầu Tràng Tiền
Cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương là một trong những điểm đến hấp dẫn của thành phố Huế xinh đẹp. Cầu Tràng Tiền được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic gồm mười hai nhịp với màu trắng bàng bạc làm cho cây cầu thêm đẹp huyền ảo.
Đứng trên cầu Tràng Tiền, du khách có thể cảm nhận toàn bộ vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hương hiền hòa. Nơi đây là điểm đến lý tưởng của du khách và những đôi trai gái yêu nhau để lắng nghe dòng sông Hương cất lên khúc hát và ngắm cầu Tràng Tiền xinh đẹp.
Nhà thờ Mằng Lăng
Nhà thờ Mằng Lăng tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ, thuộc huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Với tuổi đời gần 120 năm, đây là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam.
Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất ở Việt Nam. |
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, có màu xanh xám kết hợp cùng nhiều hoa văn giản dị. Nhà thờ tuy nhỏ nhưng khuôn viên rộng và luôn rợp bóng mát cây xanh. Nơi đây còn là nơi lưu trữ cuốn sách đầu tiên in bằng tiếng Việt, là điểm đến thú vị cho du khách yêu thích lối kiến trúc xưa cũ.
Nhà cổ Bình Thủy
Nhà cổ Bình Thủy tọa lạc trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, TP Cần Thơ. Nhà cổ này được xây từ 1870 với 5 gian 2 chái, mang đậm lối kiến trúc Pháp với nhiều họa tiết đẹp mắt.
Điểm nổi bật của ngôi nhà là những hàng cột được làm bằng gỗ lim đen bóng, hệ thống xà kèo được chạm trổ tinh vi, gạch lát nền có hoa văn độc đáo. Nhà cổ Bình Thủy là một trong những ngôi nhà cổ lớn và đẹp nhất Cần Thơ, thể hiện lối sống truyền thống của người dân Nam bộ ngày xưa.
Nhà trăm cột Long An
Nhà trăm cột tọa lạc tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, được xây dựng vào năm 1901-1903 theo lối kiến trúc thời Nguyễn và mang đậm phong cách Huế.
Các vật dụng trong ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý, chạm khắc tỉ mỉ, cầu kỳ. |
Ngôi nhà có tổng cộng 120 cột gồm 3 gian, 2 chái và được điêu khắc tinh xảo được làm hoàn toàn bằng gỗ và lợp ngói. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà cổ đã bạc màu thời gian nhưng lối kiến trúc và giá trị thì chưa bao giờ xưa cũ.