Hội đồng Hiến pháp cần “chế định” cụ thể hơn
Tại Việt Nam chỉ Quốc hội mới có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội... |
TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, mọi công dân, đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội… đều có quyền đề nghị, kiến nghị với cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong bộ máy Nhà nước xem xét, xử lý những hành vi, văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp. Nhưng ở nước ta, chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… trái với Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội.… Có thể thấy đã có những quy định khá đầy đủ và chi tiết về một thiết chế tạm gọi là "cơ chế bảo hiến". Nhưng nếu nghiên cứu phân tích kỹ, "cơ chế bảo hiến" này còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết nên chưa đem lại kết quả mong muốn do được giao cho nhiều cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh né. TS Vũ Đức Khiển góp ý: Qua nghiên cứu sơ bộ các mô hình cơ quan bảo hiến ở một số nước, có thể thấy mô hình cơ quan bảo hiến châu Âu - tức là thành lập Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp là tối ưu. Tòa án Hiến pháp có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; xem xét các vấn đề liên quan đến việc miễn nhiệm nghị sĩ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; tham gia luận tội các quan chức cấp cao của Nhà nước… Tuy vậy, nếu thành lập cơ quan chuyên trách bảo hiến thì Quốc hội có phải là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, là cơ quan có quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật vi hiến hay không? Có quyền thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước nữa hay không? phải xem xét, sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Hiến pháp năm 1992 về nhiệm vụ, quyền hạn của cả hệ thống cơ quan Nhà nước…
Góp ý cho việc thiết lập cơ chế bảo hiến, Luật sư, GS.TSKH Nguyễn Vân Nam cũng cho rằng, việc quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn việc sửa đổi Hiến pháp, đó là cần hình thành Tòa Bảo hiến và phải đảm bảo tính độc lập của Tòa Bảo hiến vì nếu không độc lập thì không phát huy được hiệu quả. Một khi Tòa Bảo hiến có mà không hoạt động hiệu quả thì sẽ làm cho xã hội xem thường tác dụng của nó, giá trị của Hiến pháp vì vậy cũng bị ảnh hưởng.
GS.VS Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế cũng góp ý: Trong bản Hiến pháp mới có đưa vào vấn đề Kiểm toán Nhà nước và Hội đồng Hiến pháp, song nội dung mới dừng ở mức phát hiện để báo cáo Quốc hội chứ chưa có xử lý. Do vậy, Hội đồng Hiến pháp phải có những quy định yêu cầu bắt buộc những hành vi vi Hiến phải sửa chữa.
Nguồn thainguyendientu