Hiệu quả dạy - học thể dục theo chuyên đề
Ở bậc THCS, các trường có điều kiện có thể triển khai thí điểm mô hình này trong năm học này. Đến nay, có khoảng 30% các trường triển khai dạy - học thể dục theo chuyên đề. Cùng với chủ trương này, Đà Nẵng đang lập đề án trình UBND thành phố để đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng trong trường học với tổng kinh phí dự kiến khoảng 350 tỷ đồng.
Thầy trò đều hào hứng |
Cùng với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Ngô Quyền là một trong hai trường được chọn triển khai thí điểm dạy - học thể dục theo chuyên đề từ hai năm trước ở Đà Nẵng. Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Tùy theo sở thích và năng lực của mình, HS có thể chọn theo học một trong 9 phân môn, gồm học bơi, đá cầu, bóng rổ, cầu lông, aerobic…
Việc lựa chọn này đã giúp chất lượng giờ dạy tốt hơn, hiệu quả cao hơn, HS có điều kiện phát huy được năng khiếu trong thể dục thể thao. GV có điều kiện hướng dẫn kỹ về kỹ thuật cho các em, thành tích của HS vì vậy cũng được cải thiện. Nhưng quan trọng hơn cả là việc được chọn phân môn để theo học đã tạo được sự hứng thú cho cả của thầy và trò trong các giờ học”.
Thầy Lê Đình Lưu - Tổ trưởng Tổ Thể dục, Trường THPT Ngô Quyền - phân tích: “Trước đây, khi giảng dạy thể dục với nhiều phân môn thì hầu như HS không có thời gian để thực hành, giáo viên giới thiệu kỹ thuật xong là hết giờ nên không khơi gợi được cho HS sự đam mê, thích thú đối với môn học. Ví dụ, với phân môn cầu lông, theo phân phối chương trình, năm lớp 10, các em sẽ chỉ có 7 tiết, lên lớp 11 và 12 có thêm một tiết nữa là 8 tiết mỗi năm.
Dù học nhiều phân môn nhưng tổng kết lại là các em không biết chơi môn nào. Với dạy - học theo chuyên đề, HS sẽ có thêm thời gian thực hành, tự tập tại trường với sự hướng dẫn kỹ thuật của GV”. Hiện Trường THPT Ngô Quyền đang triển khai cho HS tự chọn theo 5 phân môn: Cầu lông, đá cầu, bóng chuyền, bóng rổ và võ vovinam, trong đó, bóng chuyền được HS đăng ký theo học nhiều nhất. Riêng phân môn chạy, thầy Lưu cho biết, tổ chủ trương đưa vào phần phát triển thể lực của mỗi buổi học.
Đăng ký theo học môn erobic, em Thanh Huyền - HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỏ ra rất hào hứng vì sức khỏe được cải thiện mà điểm số môn thể dục cũng rất tốt: “Thời ở trường THCS, nói thiệt là đến giờ học thể dục là em rất nặng nề và uể oải, thậm chí còn rất sợ. Không phải phân môn nào của thể dục em và các bạn cũng có thể học được và học tốt, như các bạn có thể hình thấp bé thì bài kiểm tra nhảy cao là nỗi ám ảnh.
Thế nên khi nhà trường cho chúng em tự chọn các loại hình phù hợp với sở trường để học, chúng em thấy như được giải tỏa áp lực, để môn thể dục thực sự là môn học giúp rèn luyện sức khỏe, thể lực” - Huyền cho biết.
Chiến lược cải thiện thể lực cho học sinh
Thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - cho biết: “Nhà trường bố trí cho GV thể dục dạy đúng với sở trường của mình, GV chỉ dạy tối đa là hai môn nên có điều kiện tập trung sâu vào chuyên môn. Về phía HS, các em được đăng ký hai nguyện vọng, bố trí học trái buổi nên việc bố trí sắp xếp lớp, lên thời khóa biểu cũng không quá khó khăn, chỉ đảm bảo yêu cầu có một, hai buổi trống toàn bộ để HS lao động, học môn Giáo dục Quốc phòng”.
Cái khó của việc triển khai dạy - học thể dục theo chuyên đề hiện nay chủ yếu xuất phát từ cơ sở vật chất. Theo thầy Lê Đình Lưu thì với môn thể dục, nếu dạy theo chuyên sâu thì cơ sở vật chất quyết định 50% chất lượng của môn dạy. “Nếu có nhà đa năng thì các môn như cầu lông, đá cầu sẽ không bị tác động bởi ngoại cảnh.
Cơ sở vật chất tốt cũng sẽ tạo được hứng thú cho cả thầy và trò. Như trường chúng tôi, do chưa có nhà đa năng nên trời mưa thì chỉ có thể tổ chức cho HS học tại sảnh. Môn võ thì có thể tập luyện được nhưng với bóng rổ, bóng chuyền và cầu lông thì chỉ có thể tổ chức cho HS tập các bài tập bổ trợ thể lực để duy trì thói quen”.
Năm học 2016 - 2017 này, một số trường THCS ở Đà Nẵng như THCS Lý Thường Kiệt, Tây Sơn, Nguyễn Huệ, Lê Lợi cũng đã triển khai dạy học theo chuyên đề ở môn thể dục. Theo như ông Hồ Anh Dũng - chuyên viên Phòng Giáo dục Phổ thông, phụ trách bộ môn thể dục thể thao, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, thể dục là môn khoa học dạy theo năng khiếu của HS, việc cho HS học liên tục một môn trong suốt cả cấp học theo sở thích giúp các em hình thành kỹ năng và thuần thục môn thể thao mình yêu thích.
Trên cơ sở đó, việc phát triển phong trào, chuyên môn, chọn được vận động viên có chuyên môn, cải thiện thể trạng của HS được thuận lợi hơn.
Cùng với việc triển khai dạy học theo chuyên đề ở môn thể dục, Đà Nẵng đang có kế hoạch dài hơi nhằm cải thiện và nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe cho HS trong học đường. Đà Nẵng hiện có 44 bể bơi để dạy bơi cho HS, đáp ứng cho khoảng 14.000 HS theo học. Môn bơi cũng là một trong những môn học được học chính khóa tại một số trường được đầu tư bể bơi cứng như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, THCS Lương Thế Vinh.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đang lập đề án trình UBND thành phố để đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng trong trường học với tổng kinh phí dự kiến khoảng 350 tỉ đồng. Một khi hoàn thiện về CSVC thì việc dạy - học thể dục theo chuyên đề sẽ được triển khai ở tất cả các trường học.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Qua 2 năm thí điểm tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Ngô Quyền, chúng tôi nhận thấy HS rất thích học thể dục theo hình thức tự chọn. Các em đầu tư các dụng cụ học tập môn thể dục tốt nhất, yêu thích những giờ học thể dục chứ không kiểu bị buộc phải học như trước đây. Thậm chí nhiều giờ học thể dục, học sinh đến sớm hơn cả thầy giáo dạy, vì các em háo hức được học”.