HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII họp chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII họp tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 |
Thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong thời gian qua hoạt động tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tại Thái Nguyên về Dự thảo đã được tổ chức sôi nổi, khẩn trương và nghiêm túc ở các cấp, ngành, địa phương. Tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, tổ chức chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, khẩn trương, nghiêm túc Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân về đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này.
Các cơ quan báo chí: Đài PT-TH Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên đã có nhiều hình thức tuyên truyền sâu sắc, mở chuyên mục giới thiệu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như các hoạt động đóng góp ý kiến đối với Dự thảo. Cấp ủy các cấp, chính quyền, các đoàn thể ở các địa phương đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc hoạt động này. Theo kết quả sơ bộ, đến nay tại Thái Nguyên đã có 181/181 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thành phố, thị xã đã báo cáo về Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổng hợp ý kiến tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, địa phương ở Thái Nguyên triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như tâm huyết, ý thức trách nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến đóng góp vào Dự thảo.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề đáng quan tâm trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thảo luận, như: Những mục tiêu lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa về chủ quyền của nhân dân; Làm rõ hơn phạm vi, nội hàm của quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp để tránh việc trùng, lẫn, dẫn đến làm giảm hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nhau. Hoàn thiện hơn nữa mọi thiết chế dân chủ trong mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân; hoàn thiện hơn nữa những quy định về quyền con người, quyền công dân...
Với hàng trăm ý kiến trực tiếp và tổng hợp ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đối với các quy định cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hội nghị chuyên đề của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao của các đại biểu HĐND tỉnh,các Ban của HĐND tỉnh, các cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã ở Thái Nguyên. Qua đó thể hiện rõ vai trò của HĐND là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đối với việc đóng góp ý kiến vào văn bản pháp lý cao nhất của đất nước là Hiến pháp, tham gia tích cực vào đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của cả nước đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992./.
Văn Đồng