Hà Lan tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Cuộc chiến không ngừng nghỉ
Lãnh thổ Hà Lan một được hình hành từ châu thổ của bốn con sông Rhine (Rhin), Maas (Meuse), Schelde và Ijssel. Ngay từ thời điểm những người dân đầu tiên định cư tại đây, việc chinh phục thiên nhiên đã được coi là yếu tố sống còn.
Công trình trị thủy Maeslantkering thuộc dự án Delta Works. |
Cuộc chiến kiên cường và không ngừng nghỉ với biển và ngập nước để tồn tại từ trên 2000 năm nay của người Hà Lan đã tạo nên hệ thống đê điều, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt được ví như kỳ quan thế giới - niềm kiêu hãnh của người Hà Lan - những người mà từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã phải gồng mình để giành giật đất từ biển, sau đó cải tạo chúng để xây lên những thành phố, làng quê thơ mộng và trù phú.
Là một quốc gia có mật độ dân số khá cao nhưng với gần 2/3 diện tích lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, Hà Lan chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Nhưng những sự cố vỡ đê dường như chưa bao giờ làm nhụt chí, mà trái lại còn làm người Hà Lan trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn trong việc trị thủy, và ngày nay, người Hà Lan không coi biến đổi khí hậu là nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế…, mà còn nhìn nhận đó là cơ hội…
"Sống chung với lũ"
Tư duy của người Hà Lan đã hoàn toàn thay đổi sau khi lũ lụt buộc hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong những năm 1990. Thay vì tìm mọi cách để chinh phục và đánh bại thiên nhiên, họ học được cách “sống chung với lũ”. Nguyên tắc chính được quốc gia này áp dụng là chuẩn bị thật tốt cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Ở cấp quốc gia, việc chống lại biến đổi khí hậu không chỉ là các công trình thoát nước, mà còn là chính sách, cách quy hoạch không gian, quản lý khủng hoảng, giáo dục trẻ em, các ứng dụng trực tuyến… Một ứng dụng GPS quốc gia đã được tạo ra để người dân luôn biết chính xác mực nước biển hiện tại và có biện pháp đối phó.
Người Hà Lan quan niệm, nước biển dâng có thể đúng, hoặc chỉ là tung hô của giới truyền thông, nhưng rốt cục, họ vẫn phải thích ứng với nó. Họ cho rằng, sự hồi phục của môi trường và kiến tạo xã hội phải đi đôi với nhau. Khi các nhà quy hoạch ở Hà Lan cải tạo đường sá, khu phố, họ đồng thời mở rộng các khu vực chứa nước đề phòng thảm họa.
Ở Hà Lan các ủy ban về nước (water board) - một thể chế bao gồm chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đại diện cho người dân trên địa bàn cả về quyền lợi và nghĩa vụ… đã có từ 700 năm nay, và hiện nay, số lượng ủy ban chỉ còn lại 27, nhằm tăng cường về nguồn lực và sự phối hợp được nhanh chóng và tập trung hơn.
Trong phạm vi địa bàn của mình, ủy ban về nước có các trách nhiệm: (a) quản lý và bảo trì các công trình có tác động đối với dòng chảy của nước như đê, giồng, bến cảng; (b) quản lý và bảo trì các thủy lộ; bảo trì một mực nước thích hợp trong các polder và các thủy lộ; (c) bảo trì chất lượng nước mặt thông qua việc xử lý nước thải. Tuy nhiên, ủy ban về nước không phụ trách việc cung cấp nước sạch và cũng không phải là cơ quan dịch vụ công ích.
Mặt khác, do việc mực nước biển dâng lên, lưu lượng nước sông giảm vào mùa hè, sự xâm nhập mặn theo các con sông và nước ngầm… tạo áp lực lên việc cung cấp nước ngọt cho quốc gia cũng như các ngành nông nghiệp, hàng hải và các lĩnh vực khác của nền kinh tế có liên quan tới nước, tháng 12/2007 Chính phủ Hà Lan thành lập Uỷ ban Châu thổ (Delta Commissie) với chức năng tư vấn, trên phạm vi cả nước, với tầm nhìn dài hạn cho Chính phủ trong việc bảo vệ và phát triển bền vững vùng ven biển và các vùng đất thấp.
Công trình trị thủy Oosterscheldekering thuộc dự án Delta Works. |
Chính phủ Hà Lan đã yêu cầu Ủy ban Châu thổ đưa ra các kiến nghị để bảo vệ các vùng ven biển Hà Lan và những vùng đất thấp bên trong trước các tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cho đất nước Hà Lan có thể an toàn trước các biến đổi khí hậu trong một thời gian rất dài, an toàn trước nguy cơ lũ lụt trong khi vẫn duy trì được là một vùng đất hấp dẫn để sinh sống, cư trú và làm việc cũng như để giải trí và đầu tư…
Ấm lên toàn cầu, hay hâm nóng toàn cầu là hiện tượng nhiệt độ trung bình của không khí và các đại dương trên Trái Đất tăng lên trong các thập kỷ gần đây. Theo số liệu của các Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong thế kỉ 20 tăng 0,6 ± 0,2 °C do sự gia tăng nồng độ khí nhà kính sinh ra từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng… gây ra. Các dự án mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4 °C trong suốt thế kỷ 21. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,65 - 1,3 mét và từ 2 - 4 m cho đến cuối thế kỷ XXII.
Theo các số liệu được công bố, nhiệt độ và mức nước biển dâng ở Hà Lan tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình trên thế giới. Lưu lượng của sông Rhine và sông Maas cũng tăng đáng kể. Trước tốc độ tan băng nhanh chóng ở Bắc Cực mà Hà Lan ở cách đó không xa và nằm đúng ở eo nối liền Biển Bắc với Đại Tây Dương qua Biển Manche, phương án mực nước biển dâng đến 5m vào một thời điểm sớm hơn cũng đã được xem xét.
"Cái khó ló cái khôn"
Đối phó với tình trạng này, người Hà Lan đã chọn giải pháp làm giảm sức mạnh của dòng nước tấn công đất liền. Thay vì phải nâng cao của hệ thống đê, đập, người Hà Lan tập trung chuyển sang cải tạo đất để tạo những khoảng trống cho nước dâng tự nhiên, hay tạo ra những khu vực làm giảm lực của sóng biển.
Bắt đầu từ 2006, Chính phủ Hà Lan đã triển khai dự án với ngân sách 2,3 tỷ euro nhằm "Tạo không gian cho dòng sông” ("Room for the Rivers) tại các điểm ít quan trọng để giảm lưu lượng, tốc độ và mực nước của sông vào mùa lũ, giúp bảo vệ các khu vực trọng yếu, bao gồm đào sâu hơn lòng sông, di chuyển đê và các công trình vào sâu hơn trong đất liền, xây thêm hồ chứa hoặc hệ thống kênh tiêu… đã giúp đảm bảo an toàn cho gần 4 triệu dân.
Cách làm này xem ra khôn ngoan hơn là việc nâng cao các bức tường ngăn nước biển. Giải pháp này trên thực tế đã được áp dụng từ lâu và đã có tác dụng chế ngự các thảm họa nhưng nạn biến đổi khí hậu lại đang diễn ra nhanh hơn.
Thời gian gần đây, các chuyên gia Hà Lan đang nghiên cứu và triển khai những dự án xây dựng hệ thống "đê chắn sóng thông minh" bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng để giám sát những con đê, đập nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu. Ở Hà Lan đang thử nghiệm gắn các chip vào thân đê, đập nhằm mục đích phát hiện sớm và cảnh báo các trận sóng thần và nước biển dâng.
Không chủ quan
Mặc dù khá tự tin về hệ thống đê biển, song theo các chuyên gia, trong trường hợp xấu nhất, tức là nước biển dâng quá nhanh, hệ thống bơm nước bị hỏng, người Hà Lan buộc phải chấp nhận thực tế và đang tự trang bị những phương tiện mang tính tự vệ.
Khu nhà nổi ở Leidsche Rijn, Hà Lan. |
Theo đó, trẻ em ở Hà Lan ngay từ nhỏ đều đã phải học bơi. Một dự án đang được nghiên cứu, triển khai ở thủ đô hành chính La Haye, bao gồm các khu nhà nổi được thiết kế để nổi lên và hạ xuống theo mực nước, chỉ sử dụng những nguồn năng lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường. Ý tưởng này không có gì mới, song nó cho thấy người Hà Lan chuẩn bị khá kỹ cho việc chung sống với tình trạng biến đổi khí hậu và “giặc” nước.
Ở Hà Lan, có rất nhiều công trình minh chứng thành tựu của chống biến đổi khí hậu của nước này. Người Hà Lan xây dựng hồ, nhà để xe, công viên hay trung tâm thương mại để phục vụ cuộc sống hàng ngày như mọi quốc gia khác nhưng đồng thời cũng tăng gấp đôi số hồ chứa khổng lồ phòng khi nước biển và nước sông tràn lên thành phố.
Hà Lan được thế giới biết đến như là đất nước của các polder - một vùng đất thấp được đê bao bọc, là một thực thể thủy văn theo nghĩa không có trao đổi nước bên ngoài, ngoại trừ những công trình do con người xây nên và vận hành. Nước này hiện có trên 3.000 polder ở các quy mô khác nhau. Cối xay gió là một công trình sử dụng năng lượng gió để bơm và tháo nước cho các polder, kết hợp làm cối xay.
Theo Thị trưởng Rotterdam, thành phố (nằm ở độ sâu -6 m so với mực nước biển) này là khu vực dễ bị tổn thương nhất (do khí hậu) ở Hà Lan, kể cả cả về kinh tế và địa lý. Nếu như bị ngập, chỉ có thể sơ tán một số ít người, vì vậy, di tản không phải là lựa chọn tối ưu, mà phải học cách sống chung với nước.
Thành phố kiểu mẫu Rotterdam
Người Hà Lan ý thức được rằng, không thể tiếp tục xây đê cao hơn vì họ sẽ chỉ sống sót với một bức tường cao 10m mà thôi; thay vào đó, cần cung cấp cho sông nhiều nơi để chảy; một thành phố thông minh phải có tầm nhìn toàn diện vượt ra khỏi đê và cửa thoát nước… Đó là cách thành phố Rotterdam biến mình thành thủ đô của các doanh nghiệp về môi trường.
Đây là thành phố đi tiên phong trong việc xây dựng các cơ sở như bãi đậu xe trở thành hồ chứa khẩn cấp, các đài phun nước, vòi phun nước, khu vường, sân bóng rổ luôn sẵn sàng trở thành ao chứa nước.
Kênh chèo thuyền tại Rotterdam có tên Eendragtspolder rộng gần 90.000m2 - nơi giải vô địch Chèo thuyền thế giới được tổ chức vào năm ngoái - là một công trình nhằm để chứa nước khi thành phố này bị ngập lụt. Trong trường hợp khẩn cấp, Eendragtspolder sẽ đóng vai trò là một bể chứa nước khổng lồ nhằm hạn chế thiệt hại của lũ lụt từ sông Rotte và sông Rhine.
Đây chỉ là một trong nhiều dự án toàn quốc của Hà Lan, được gọi chung là “không gian cho dòng sông”, nhằm bảo vệ đất trước sông ngòi và biển, thay đổi hoàn toàn phương thức truyền thống là xây đập, kè bờ để lấn đất từ sông và kênh rạch. Rotterdam được người dân Hà Lan tự hào là thành phố kiểu mẫu được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với biến đổi khí hậu và đang hướng dần ra biển. Trung bình mỗi tuần, có 2 triệu m3 cát được bơm lên để đưa thành phố này lấn ra biển.
Cũng như các thành phố khác tại Hà Lan, Rotterdam hiện chịu hai áp lực: nước biển dâng cao ở bên ngoài và lượng nước từ bên trong đất liền như nước mưa, nước thải, nước ngầm… đổ ra.
Kênh Eendragtspolder ở Rotterdam. |
Để giải tỏa áp lực này, Rotterdam kết hợp chặt chẽ ba giải pháp, đó là xây dựng hạ tầng, quản lý nước và sử dụng công nghệ thông minh. Rotterdam là thành phố đã áp dụng thành công mô hình xây dựng “khu chứa nước đô thị” và “thành phố nổi” ven biển. Các khu nhà nổi sẽ được xây dựng bên trong những con đê được gắn thiết bị cảm ứng để giám sát đê đập. Chúng được thiết kế nổi lên và hạ xuống tùy theo mực nước tại mỗi thời điểm…
Thời gian qua, nhiều đoàn công tác từ các thành phố lớn trên thế giới như TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), New York (Mỹ), Jakarta (Indonesia)... đã tới Rotterdam để học hỏi kinh nghiệm và ký hợp đồng với các công ty kỹ thuật công nghệ cao và thủy lợi. Tư vấn của chuyên gia Hà Lan Bangladesh về các khu trú ẩn khẩn cấp và các tuyến đường sơ tán đã giúp nước này giảm con số thương vong do lũ lụt trong thời gian gần đây xuống hàng trăm thay vì hàng ngàn người.
Hệ thống đê điều khoa học
Sau thiên tai năm 1916, đê Afsluitdijk dài 32 km, bề mặt rộng 90 m, chiều cao thiết kế ban đầu 7,25 m trên mực nước biển được xây dựng, ngăn IJselmeer với Biển Bắc - một minh chứng rõ ràng nhất cho khát vọng, ý chí và khả năng chinh phục thiên nhiên của người Hà Lan.
Điều phi thường là giai đoạn thi công được tiến hành trong khoảng thời gian vẻn vẹn có sáu năm, từ 1927 đến 1933. Do nước từ các sông liên tục đổ vào và nước từ các polder Noordoost, Oostelijk Fleveland và Zuidelijk Flevoland mới được hình thành tháo ra, nên định kỳ IJsselmeer được thay nước.
Đê biển Afsluitdijk đóng vai trò quyết định trong quy hoạch tổng thể điều phối thuỷ văn, chống lụt, rửa mặn, và tưới tiêu lớn nhất Hà Lan trong thế kỷ 20. Công trình trị thủy khổng lồ này đã giúp Hà Lan giảm thiểu tối đa tác động của biển Bắc đến hoạt động thuỷ sản và nông nghiệp khu vực các tỉnh phía Bắc. Afsluitdijk ngoài việc là một đê bảo vệ Hà Lan khỏi lũ lụt, còn là một đường cao tốc nối Den Oever thuộc tỉnh Noord Holland với Zurich thuộc tỉnh Friesland được sử dụng bởi hàng ngàn người mỗi ngày.
Sau trận vỡ đê 1953, đề án Delta Plan đã đề xuất một hệ thống công trình (Delta Works) rất quy mô cho vùng Zeeland và Zuid Holland. Delta Works được hoàn tất và đi vào hoạt động từ năm 1978. Như dự kiến, chế độ thủy văn trong các thủy vực sau đê đã thay đổi đáng kể. Tất cả các cửa sông trong Delta Plan đều được đóng kín trừ Oosterschelde và Westerschelde. Mặc dù đê mở, ở Oosterschelde, chế độ triều đã giảm đi khoảng 25%.
Ở những nơi khác, chuyển động triều bị chặn đứng, và nước mặn trở thành lợ hoặc ngọt. Vận tốc dòng chảy có nơi giảm đến 80 - 100 %. Địa mạo lòng sông và nhiều khu vực sau các công trình cũng biến đổi nhiều. Các thay đổi về chế độ thủy văn, về chất lượng nước, và về địa mạo dẫn đến những biến đổi sâu sắc về sinh vật. Các loại cá biển không còn, các loại chim biển không đến nữa, nhưng dần dần các loài thủy sinh vật khác phát triển và thay thế.
Các công trình Delta Works và đê Afsluitdijk đã giải quyết được vấn đề an toàn cho người dân, tạo thêm những polder mới, và về phương diện này là những thành công lớn. Nhưng đồng thời, các công trình đó đã tạo ra nhiều vấn đề mới và bài toán mới. Vì vậy, sau khi các công trình Delta Works đi vào hoạt động, năm 1978, Luật về an toàn đê đã được ban hành; và trước những thách thức của biến đổi khí hậu, năm 1996, một Luật mới về an toàn đê đã được Nghị viện Hà Lan thông qua.
Theo đó, mỗi con đê và giồng cát, đặc biệt ở ven biển, phải được khảo sát 5 năm một lần theo các tiêu chuẩn được Chính phủ ban hành để đánh giá khả năng xảy ra các tình huống: chảy tràn và/hoặc mực nước cao hơn đỉnh đê; trượt đất ở mái trong và mái ngoài của đê; xói mòn của lớp phủ thân đê (cỏ, asphalt hoặc khối basalt) có thể dẫn đến đê bị vỡ; có mạch rò rỉ nước dưới chân đê và xói mòn thân đê từ bên trong.
Đê Afsluitdijk thuộc dự án Zuiderzee Works. |
Kịp thời áp dụng công nghệ mới
Tháng 9/2008, Ủy Ban Châu thổ đã đề xuất kế hoạch tổng hợp cho đến năm 2100 với 12 kiến nghị liên quan đến nâng cấp độ phòng chống lũ gấp 10 lần hiện nay. Việc thực thi Chương trình Châu thổ của Hà Lan từ nay tới năm 2050 sẽ cần từ 1,2 tới 1,6 tỉ euro mỗi năm và từ 0,9 tới 1,5 tỉ euro mỗi năm trong giai đoạn 2050 - 2100.
Công tác chống ngập lụt bờ biển trong Chương trình Châu thổ chủ yếu thực hiện nhờ biện pháp phun cát nuôi dưỡng bờ biển. Nếu biện pháp này được tăng cường để bờ biển của Hà Lan có thể phát triển ra biển thêm 1 km, tạo ra những vùng đất mới phục vụ cho hoạt động giải trí và môi trường tự nhiên thì sẽ cần thêm từ 0,1 tới 0,3 tỉ euro mỗi năm.
Các giải pháp Ủy ban kiến nghị nhằm tăng cường an toàn nguồn nước, bảo vệ phòng chống lũ lụt và đảm bảo cung cấp nước sạch quyết định việc lựa chọn sử dụng đất, qua đó, tác động đến việc quy hoạch, phát triển và sử dụng đất, gây xáo trộn đối với nhiều ngành và địa phương trong nông nghiệp và tự nhiên, phát triển đô thị, hạ tầng, cảng biển và các thành phần khác của nền kinh tế.
Tại “Diễn đàn Đồng bằng Sông Cửu Long 2016” do Ngân hàng thế giới tổ chức vào 6/2016 tại TP. HCM, cựu Bộ trưởng bộ Môi trường và kế hoạch Hà Lan Henringa cho biết, hiện nay các công trình đê lớn của Hà Lan từng một thời là niềm tự hào của đất nước này, đã không còn thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu nữa. Hà Lan đang tìm những giải pháp uyển chuyển, dựa vào thiên nhiên là chủ yếu để ứng phó với những thay đổi và tác động do biến đổi khí hậu hiện nay.
Ngoài các công trình bờ kè, người Hà Lan đang cố gắng “xây dựng cùng với thiên nhiên”, bằng cách sử dụng thiên nhiên để giúp đất nước họ an toàn. Hiện các nhà khoa học Hà Lan đang sử dụng thí điểm “động cơ cát” (the sand engine) nhằm tận dụng gió, sóng và dòng hải lưu để phân bổ cát dọc bờ biển một cách tự nhiên, tránh ảnh hưởng hệ sinh thái, giúp giảm xói mòn bờ biển, bảo vệ cư dân ven biển khỏi sóng lớn.
Được biết, với tổng chi phí khoảng 70 triệu euro và thời gian thực hiện từ 2011 đến 2021, mục tiêu của dự án là bơm khoảng 21,5 triệu m3 cát vào khu vực 128 ha bờ biển hẹp ở Ter Heijde, tạo ra vịnh cát và bờ biển tự nhiên cũng như hệ sinh thái mới rộng 35ha, cao 5m so với mực nước biển, phục vụ công tác bảo tồn và giải trí. Công trình “động cơ cát” có thể tồn tại khoảng 20 năm trước khi tiến hành đợt bơm cát mới, giúp tiết kiệm 50% công sức và chi phí bảo vệ bờ biển theo cách truyền thống.
Đến nay, dự án đã thu được kết quả ban đầu như dự đoán, ghi nhận việc xuất hiện hải cẩu, cũng như một số loài thực vật trong khu vực. 5 năm tới, khi hoàn thiện, bãi cát này có thể bảo vệ được 20 km bờ biển khỏi bị xói mòn. “Động cơ cát” là một giải pháp thiên nhiên mới để bảo vệ bờ biển - thành quả sáng tạo của Hà Lan trong chung sống với thiên nhiên và là công nghệ áp dụng đầu tiên trên thế giới, đang được nhiều nước quan tâm. Thành công của dự án là tiền đề để Hà Lan triển khai áp dụng rộng rãi hơn.
Nói đến Hà Lan người ta thường nghĩ đến bản lĩnh của một dân tộc luôn phải đấu tranh với những biến đổi khí hậu để sinh tồn và phát triển đã tạo cho họ một quyết tâm không gì lay chuyển nổi là bằng mọi giá phải chế ngự các thảm kịch do bão lũ và nước biển dâng.
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hà Lan lại trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc đưa hiệp định vào đời sống và hiện thực hóa các biện pháp đối phó với hiểm họa toàn cầu này.
Người Hà Lan tin rằng, một thành phố thông minh phải có tầm nhìn toàn diện, vượt ra ngoài những khuôn khổ định sẵn. Thích ứng với khí hậu, nếu giải quyết ngay từ đầu và đúng cách, sẽ đem lại một quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng hơn - là thông điệp mà người Hà Lan muốn đưa ra thế giới. Nếu thế giới không nghiêm túc nhìn nhận và đối phó với cuộc khủng hoảng này, cái giá phải trả không chỉ là vật chất mà còn là tính mạng con người./.