Góp ý sửa đổi Hiên pháp: Thể chế hóa bằng luật về vai trò lãnh đạo của Đảng
Chiều 22/2, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) quận Thanh Xuân, Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến dự có các thành viên Ủy viên MTTQ quận Thanh Xuân, thường trực MTTQ các phường, và đại biểu các trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư.
Ông Phạm Đình Mùi – Chủ tịch MTTQ quận Thanh Xuân cho biết việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, tạo điều kiện cho cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là mặt trận bày tỏ quan điểm, tinh thần trách nhiệm của mình đối với từng điều khoản cụ thể. Đồng thời, ý kiến của các đại biểu góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được MTTQ quận Thanh Xuân tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và gửi về UBND thành phố Hà Nội trước ngày 6/3.
Các đại biểu đã góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp |
Phát biểu tại hội nghị, đa số đại biểu đều đồng tình với các điểm mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời đánh giá cao Ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đã xây dựng bản Dự thảo khá công phu, thể hiện tinh thần kế thừa thành quả của các Hiến pháp trước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đối với chương I, các đại biểu khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu, quyết định thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp ý vào khoản 3, Điều 4, ông Phạm Ngọc Thảo – nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội cho rằng, Quốc hội nên quy định thêm luật về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm cụ thể hóa vai trò, vị trí, mối quan hệ, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm của Đảng với các chủ thể và toàn xã hội.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo, thực tế có rất nhiều vấn đề chưa được quy định rõ ràng như chưa có luật nào quy định về Đảng lãnh đạo thế nào? Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân như thế nào? Nhân dân giám sát Đảng ra sao?... Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành phần đặc biệt trong hệ thống chính trị ở nước ta. Trong khi đó, hiện nay, các chủ thể, thành phần trong hệ thống chính trị như Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, Công đoàn… đều đã có luật. Do đó, rất cần luật về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Thể chế hóa bằng luật pháp về hoạt động của Đảng Cộng sản là rất cần thiết và điều này cần được ghi vào Hiến pháp để làm cơ sở cho việc xây dựng luật sau này”, ông Thảo kiến nghị.
Liên quan đến Điều 9 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về MTTQ Việt Nam được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Có ý kiến đề nghị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng định MTTQ Việt Nam nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ trong việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Đối với khoản 2, Điều 9, ông Nguyễn Trọng Hoạch – Chủ tịch UB MTTQ phường Thanh Xuân Bắc góp ý nên thay từ “thực hiện” bằng “phát huy” trong cụm từ “vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật…”. Ông Hoạch lý giải, cụm từ “nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật” đã bao hàm ý thức “thực hiện”, do vậy nên thay bằng từ “phát huy” để tổng hợp và đầy đủ hơn.
Góp ý về Điều 3, ông Lê Duy Tư, nguyên Đại tá, cán bộ giảng dạy Học viện chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng nên thay từ “bảo đảm” bằng từ “bảo vệ” trong cụm từ “Nhà nước bảo đảm và phát huy truyền quyền làm chủ của Nhân dân”. Vì dùng từ “bảo vệ” mới đúng chức năng của Nhà nước là cơ quan hành pháp./.
Theo VOV