Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Những điểm nhấn đáng chú ý
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, về chính quyền địa phương, tổng kết cho thấy có nhiều vấn đề quá phức tạp. Chẳng hạn, địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, Hiến pháp 1992 quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, giám sát HĐND; Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra HĐND. Quy định như vậy là không thật rõ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã khắc phục được vấn đề này. Tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương đã có sự khác biệt, khôngphải ở đâu cũng có HĐND, ngoài ra còn có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Dự thảo cũng đề cập đến việc phân công, phân quyền ở chính quyền địa phương như đề cao trách nhiệm cá nhân ở UBND các cấp, phân công phân quyền ở HĐND. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giao cho hệ thống luật quy định cách thức tổ chức từng cấp chính quyền địa phương.
Một trong những nội dung rất đáng quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 54. Trước đó, bản dự thảo được trình Quốc hội thảo luận quy định: 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Mục đích phát triển kinh tế là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên, bản Dự thảo mới nhất công bố xin ý kiến nhân dân đã được chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Điều 54 bản Dự thảo quy định: 1.1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Quy định này thể hiện rất rõ sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế. Điều này được nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tốt hơn cho nền kinh tế đất nước, giảm bớt những ưu ái dễ dẫn đến tình trạng "ỉ lại" của các doanh nghiệp Nhà nước…
Theo HNM