Gỡ bỏ “Rừng tị nạn Calais” – ý nghĩa chính trị hơn hiệu quả thực tế
Biểu tượng đáng xấu hổ với nước Pháp
Rừng Calais từ lâu đã là một trong những biểu tượng đáng xấu hổ đối với nước Pháp. Đây là khu ổ chuột lớn nhất nước Pháp, là nơi không có luật pháp và là nơi mà các bi kịch nhân đạo diễn ra hàng ngày. Sự tồn tại của khu rừng này trong suốt nhiều năm qua, vì thế, bị xem là một nỗi hổ thẹn của nước Pháp.
Cảnh sát bắt giữ người tị nạn trong cuộc xóa sổ "Rừng Calais". (Ảnh: AP) |
Ngoài ra, việc rừng Calais tồn tại khiến cho tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, cụ thể là thành phố Calais và vùng Nord-Pas de Calais bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kinh tế của khu vực này, đặc biệt là du lịch, gần như đã bị phá sản. Người dân bỏ xứ ra đi vì lo ngại an ninh, giá nhà đất giảm mạnh… khiến khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì lí do đó, việc chính phủ Pháp mạnh tay gỡ bỏ rừng Calais là hành động nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dân chúng Pháp nói chung và dân vùng phía Bắc nước Pháp nói riêng. Họ đã phải chịu đựng vấn nạn này suốt hơn chục năm qua và nay mong muốn điều đó chấm dứt càng sớm càng tốt.
Trên bình diện châu Âu, việc Pháp gỡ bỏ khu trại tị nạn ở Calais cũng là động thái được hoan nghênh bởi nó cho thấy quyết tâm của Paris trong việc đấu tranh chống lại nạn nhập cư trái phép cũng như các đường dây buôn người bất hợp pháp.
Việc này cũng sẽ giảm rất nhiều gánh nặng lên các nước như Anh hay Bỉ, những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự tồn tại của khu rừng tị nạn Calais.
Ý nghĩa chính trị hơn là hiệu quả thực tế
Trước hết phải nói rằng số lượng người tị nạn ở Calais bị giải tán và chuyển về các địa phương trên khắp nước Pháp là không nhiều, chỉ từ 4000-5000 người. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, “rừng Calais” không chỉ là một khu ổ chuột mà còn là biểu tượng bao năm qua cho sự bế tắc và bất lực của nhà cầm quyền Pháp trước vấn đề nhập cư trái phép và nạn buôn người.
Rừng Calais đã bị xóa sổ. (Ảnh: BBC) |
Vì thế, giải tán rừng Calais mang một ý nghĩa chính trị rất lớn. Có thể coi đó như là lời tuyên chiến của chính phủ Pháp đối với những người tị nạn vốn coi Pháp là điểm trung chuyển để đặt chân đến Anh.
Giải quyết dứt điểm “rừng Calais” không chỉ sẽ vực dậy kinh tế địa phương mà còn thể hiện cam kết của chính quyền Pháp đối với cử tri Pháp cũng như với châu Âu trong việc chấm dứt sự tồn tại của những khu vực tị nạn vô luật pháp, nơi các đường dây tội phạm buôn người chi phối mọi hoạt động.
Vì thế, việc giải tán rừng Calais sẽ mang đến những hiệu quả trước mắt rất lớn và về lâu dài nó sẽ củng cố cho thái độ quyết liệt hơn của chính quyền Pháp đối với vấn đề nhập cư, đó là sẽ ngày càng siết chặt và thậm chí mạnh bạo hơn.
Một trọng tâm trong bầu cử Tổng thống Pháp 2017
Trước hết cần phải nói rằng, “rừng Calais” được xem là sự tủi hổ đối với riêng nước Pháp hơn là cả châu Âu. Bởi lẽ, sự tồn tại của rừng Calais là do có một nhu cầu rất lớn từ người dân tị nạn các nơi đổ về nước Anh, nơi được coi là “thiên đường” với lao động không giấy phép. Vì thế, dân tị nạn đổ về Calais để chờ đợi và tìm kiếm cơ hội vượt eo biển Manche để đặt chân lên đất Anh.
Việc này khó có thể quy kết là do hậu quả của chiến tranh hay đói nghèo bởi những người dân tị nạn sống trong “rừng Calais”, mục đích của họ là tìm đến một vùng đất nhiều cơ hội hơn, ở đây là nước Anh. Nếu họ muốn ở lại châu Âu, cụ thể là chính nước Pháp, thì vẫn có các chính sách an sinh xã hội dành cho họ.
Vì vậy, vấn đề “rừng Calais” cần phải nhìn từ cả hai phía, đó là sự thờ ơ, bất lực của chính quyền Pháp, cũng như sự “tham lam” từ phía những người tị nạn.
Vì lẽ đó mà bao lâu nay vấn nạn “rừng Calais” mới không được giải quyết triệt để, và đã kéo dài suốt hơn một chục năm qua, tức là từ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu trong 2 năm qua.
Nhìn nhận một cách khách quan thì việc gỡ bỏ “rừng Calais” mang ý nghĩa đối nội nhiều hơn đối ngoại bởi khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 sắp đến gần, các ứng cử viên hàng đầu như đương kim Tổng thống Francois Hollande hay cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đều coi “rừng Calais” là một chủ đề có thể thu hút được rất nhiều lá phiếu cử tri.
Điều này cũng giải thích tại sao “rừng Calais” tồn tại suốt bao lâu nay mà đến bây giờ chính quyền Pháp mới ra tay gỡ bỏ và tái phân phối người tị nạn trong khu ổ chuột này về khắp các địa phương trên toàn nước Pháp./.