Đưa chất khác vào xăng dầu để trục lợi bị phạt tới 100 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, thay thế Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013. Theo đó, phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi.
Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Nghị định số 97/2013/NĐ-CP hiện đang áp dụng, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa. Nghị định số 67/2017/NĐ-CP đã nâng mức phạt đối với hành vi này lên từ 40 – 60 triệu đồng.
Mức phạt từ 40-60 triệu đồng cũng áp dụng đối với hành vi kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hoặc Giấy chứng nhận đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đã bị tước, bị thu hồi; cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận.
Đối với hành vi kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trong trường hợp có từ 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên hoặc Giấy xác nhận đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy xác nhận đã bị tước, bị thu hồi thì bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
Mức phạt 80 - 120 triệu đồng áp dụng đối với hành vi kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy xác nhận đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy xác nhận đã bị tước, bị thu hồi; cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy xác nhận hoặc sử dụng Giấy xác nhận bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo.
Tự điều chỉnh giá bị phạt tới 60 triệu đồng
Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Phạt tiền từ 2 - 6 triệu đồng đối với hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối quy định.
Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.
Mức phạt tiền quy định ở trên áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền bằng một nửa đối với tổ chức./.