Dọa tung đòn trừng phạt mạnh nhất lịch sử, Mỹ đang gây chiến với Iran?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/5 cho biết, Mỹ sẽ gây sức ép tối đa về kinh tế và quân sự đối với Iran nếu nước này không thay đổi cách hành xử tại khu vực Trung Đông. Các nhà phân tích cho rằng, thông điệp cứng rắn này cho thấy sự trở lại chính sách truyền thống của Mỹ đối với Iran, vốn có thể gây ra nhiều rủi ro cho chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dọa trừng phạt Iran. Ảnh: AP. |
Mỹ đã có sự chuẩn bị
Ông Pompeo công bố chính sách mới này chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ chống lại các hoạt động của Tehran trong khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và đảm bảo rằng quốc gia Trung Đông này sẽ chẳng bao giờ phát triển thành công vũ khí hạt nhân.
Trong phát biểu đưa ra, ông Pompeo cũng vạch ra tầm nhìn về chính sách chấm dứt các vụ thử tên lửa của Iran song song với làm tê liệt nền kinh tế nước này để Iran buộc phải lựa chọn hoặc là nhượng bộ để đạt được sự phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân, hoặc tiếp tục đầu tư tốn kém vào chương trình tên lửa và hạt nhân trong lúc kinh tế gặp khó khăn. Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ sẽ thực hiện chính sách đề ra bằng cách gây sức ép về tài chính chưa từng có đối với Iran, phối hợp với các đối tác, thậm chí sử dụng quân đội.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo tự do hàng hải tại các vùng biển trong khu vực. Chúng tôi sẽ làm việc để ngăn ngừa và chống lại hoạt động tấn công mạng của Iran nếu xảy ra. Chúng tôi sẽ theo dõi và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp của người Iran và tổ chức Hezbollah trên toàn thế giới. Iran sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để chiếm ưu thế tại Trung Đông.”
Hãng tin CNNB cho biết, dù để ngỏ biện pháp ngoại giao, song nhà ngoại giao Mỹ lại đưa ra 12 yêu sách cơ bản, trong đó yêu cầu Iran phải thừa nhận có yếu tố quân sự trong chương trình hạt nhân, mở rộng quyền tiếp cận đối với các thanh tra hạt nhân, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo, thả các tù nhân Mỹ, chấm dứt sự hỗ trợ cho phong trào Hezbollal và Hamas, rút quân ra khỏi Syria…
Theo ông Mike Pompeo, cuộc chiến này mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Và một khi Iran thay đổi cách hành xử, Mỹ sẽ xem xét chấm dứt các biện pháp trừng phạt, tái thiết quan hệ thương mại và cho phép Iran phát triển công nghệ.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Rob Manning cho biết, Mỹ sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Bộ này đang cân nhắc việc gia tăng gấp đôi các biện pháp hiện hành hay chuyển hướng và thực hiện những bước đi mới. Ông Rob Manning nhấn mạnh, đây là một phần của “cách tiếp cận lớn hơn về vấn đề Iran” và Mỹ “sẽ không loại trừ bất cứ phương thức nào”.
Phản ứng trái chiều
Hãng tin CNN cho biết, các nhà phân tích có quan điểm cứng rắn với Iran đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Tổ chức Phòng vệ Dân chủ của Mỹ cho biết: “Ông Pompeo đã đưa ra một kế hoạch B rất rõ ràng. Tăng cường gây sức ép để buộc Iran thay đổi hành vi với cam kết mang đến một thỏa thuận ngoại giao lớn sẽ là hành động khôn ngoan của Mỹ”.
Tuy nhiên, nhiều người lại coi những phát ngôn của ông Pompeo là sự gây hấn và khơi mào một cuộc chiến. Ông Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng quốc gia người Mỹ gốc Iran (NIAC) cho biết: “Tôi cho rằng đây là một cuộc chiến tranh và chẳng có chút chiến lược nào trong chính sách này. Chúng tôi đã nghe hàng dài những lời chỉ trích, cáo buộc kết hợp với đe dọa gây sức ép tối đa để đạt được mục tiêu từ chính quyền Mỹ nhưng ai cũng biết là điều này không thể thực hiện được. Gây sức ép kết hợp với những mục tiêu ảo tưởng là con đường dẫn đến sự đối đầu.”
Còn nhà phân tích Dylan Williams, phụ trách các vấn đề liên quan đến chính phủ của tổ chức Do Thái mới nổi ở Washington DC nhấn mạnh: “Các nhà lập pháp cần phải nhận thức rõ rằng, Tổng thống không có quyền sử dụng quân đội chống lại Iran”.
Chỉ là ý tưởng hão huyền
Trả lời hãng tin CNN, ông Clement Therme, chuyên gia nghiên cứu Iran của viện Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Bahrain khẳng định: “Các điều kiện do Mỹ đưa ra hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Iran bởi chúng liên quan đến những vấn đề vốn được coi là một phần của cuộc cách mạng tại Iran. Yêu sách của Mỹ không dẫn đến một thỏa thuận mới, thay vì đó là sự thay đổi chế độ.”
Aaron David Miller, Phó chủ tịch trung tâm Wilson cho biết, ý tưởng của ông Pompeo phản ánh “niềm tin phi thực tế” vì Pompeo không nêu rõ chi tiết về cách thức Mỹ sẽ chống lại ảnh hưởng của Iran tại Iraq, Syria hoặc Lebanon. “Phát biểu của nhà ngoại giao Mỹ đưa ra thiếu chiến lược chi tiết nhằm thay đổi sự tính toán của Iran trong khu vực. Mặt khác nó cũng thiếu tính lôgic. Vì nếu muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, Mỹ đã phải có sự đầu tư tương đối lớn nhưng trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết giảm sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông, trong đó muốn rút quân khỏi Syria.”
Iran phản ứng quyết liệt
Ngay sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu Iran thay đổi chính sách đối ngoại và đối nội, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 21/5 cho biết, Mỹ không thể đưa ra các quyết định đối với Iran và các quốc gia độc lập khác.
Hãng tin PressTV dẫn lời ông Rouhani nhấn mạnh: “Tất cả các quốc gia đều muốn độc lập đưa ra quyết sách của riêng mình. Người Mỹ có thể thực thi chương trình nghị sự của họ tại một số khu vực bằng cách gây sức ép. Nhưng về mặt logic, không ai chấp nhận họ đưa ra quyết định cho toàn thế giới”. Theo ông Rouhani “chính quyền hiện tại của Mỹ đang có xu hướng quay trở về các chính sách cũ cách đây 15 năm với việc lặp lại những tuyên bố do cựu tổng thống George W. Bush đưa ra vào năm 2003”. Ông Rouhani đã đặt câu hỏi “Mỹ là ai mà dám quyết định số phận của Iran và thế giới?”.
Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, Mỹ đang lặp lại những sai lầm và có nguy cơ gánh chịu những hậu quả tương tự như trước đây. “Chính sách ngoại giao của Mỹ luôn theo lối mòn và thói quen cũ, bị giam cầm trong sự ảo tưởng. Còn Iran sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác khác để tìm giái pháp cho thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà không cần sự tham gia của Mỹ.”
Theo nhiều nhà quan sát, chính sách cứng rắn của ông Mike Pompeo đối với Iran đã nêu bật mối lo ngại ngày càng gia tăng của Washington trước việc nước này bị suy giảm ảnh hưởng ở Trung Đông. “Mối lo của Pompeo không phải là bình ổn khu vực mà chỉ là về vai trò và vị thế của Mỹ. Đó là lý do tại sao nước này quyết tâm thúc đẩy trục Mỹ- Israel- Saudi Arabia. Có thể nói Mỹ đang tham gia một cuộc chiến đa chiều với Iran tại Syria và đang thất bại”, ông Myles Hoenig, chuyên gia phân tích chính trị tại bang Maryland (Mỹ) nói với hãng tin PressTV./.