Điều gì khiến Israel không theo Mỹ và EU trục xuất nhà ngoại giao Nga?
Trong khi Mỹ và hàng loạt quốc gia Châu Âu cùng lúc tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc ở Anh, chính phủ Israel vẫn không đi theo số đông mà bày tỏ thái độ trung lập và để ngỏ cơ hội đối thoại với Moscow.
Mỹ đang đoàn kết cùng Anh trong vụ điệp viên hai mang người Nga bị Moscow hạ độc tại Anh. Ảnh: The local. |
Theo giới quan sát, việc Israel giữ im lặng về cáo buộc Nga đứng sau vụ việc và không trục xuất các nhà ngoại giao Nga, bất chấp sức ép từ các đồng minh phương Tây đã phần nào cho thấy vai trò, ảnh hưởng to lớn của Nga tại khu vực Trung Đông.
Cú lội ngược dòng gây sốc
Tờ nhật báo của Haaretz (Israel) ngày 30/3 cho biết, khi trả lời báo chí về quan điểm của Israel trước quyết định của hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ và Canada trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Israel chỉ đưa ra kết luận vắn tắt rằng: “Không có bình luận”.
Trước đó, Anh đã tăng cường gây sức ép đối với chính phủ Israel, thuyết phục quốc gia này đứng cùng chiến tuyến với phương Tây cáo buộc Nga nhúng tay vào vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Israel chỉ ra tuyên bố lên án vụ việc, chứ không đề cập sự liên quan của Nga theo cách này hay cách khác.
Tuyên bố của bộ này nhấn mạnh: “Israel rất quan ngại về vụ đầu độc cựu điệp viên xảy ra ở Anh và lên án một cách mạnh mẽ, đồng thời hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tăng cường hợp tác điều tra và tránh để xảy ra một vụ việc tương tự trong tương lai”.
Ngay sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel, đại sứ quán Anh tại Tel Aviv đã bày tỏ sự không hài lòng. Tờ Thời báo Israel dẫn tuyên bố của đại sứ quán Anh cho biết: “Chúng tôi mong đợi sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ tất cả các đối tác thân cận, trong đó có Israel.”
Chuyên gia phân tích chính trị Israel, ông Avigdor Eskin cho rằng, Israel vốn là đồng minh thân cận của Mỹ, Anh và từ trước đến nay bất đồng với Nga về nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông, vì thế quyết định của Israel không “đứng về bên nào” trong cuộc tranh cãi ngoại giao là khá bất ngờ.
“Không ai có thể hoài nghi về nghiệp vụ, tầm nhận thức cũng như tính chuyên nghiệp của cơ quan tình báo quoocs gia Mossad của Israel. Việc Israel không lên án Nga ngụ ý rằng cơ quan tình báo Mossad không thực sự tin vào “câu chuyện huyễn hoặc do Anh dựng nên”, ông Avigdor Eskin nói.
Điều gì đàng sau quyết định của Israel?
Một số nhà quan sát cho rằng, trong suốt 8 năm qua, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan hệ giữa Israel và Mỹ đã “cơm không lành, canh không ngọt”, thậm chí đôi lúc còn rơi vào căng thẳng đỉnh điểm. Thế nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp với Israel, điển hình là việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tiếp đến quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ tới khu vực này vào tháng 5 tới.
Trước các những nỗ lực trấn an và xoa dịu đồng minh của Mỹ, thật khó để tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ bày tỏ thái độ khác biệt với Mỹ và đưa ra quyết định trung lập mà nhiều người cho rằng có phần thiên về phía Nga, trong cuộc chiến ngoại giao đang diễn ra giữa Anh, Mỹ, EU và Nga. Vậy, câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến Israel có quan điểm và lập luận mâu thuẫn với chính sách của các đồng minh thân cận nhất?
Theo nhà phân tích Avigdor Eskin, động thái của Israel không chỉ cho thấy quyết tâm của nước này trong việc giữ vững lập trường chưa thực sự tin tưởng vào tuyên bố của Anh trong vụ cựu điệp viên Skiripal bị đầu độc, mà còn cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga tại khu vực Trung Đông.
“Trong 2 năm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến thăm Nga vài lần. Ông có lẽ bị ấn tượng trước sự thật rằng Nga không chỉ là một quốc gia quyền lực mà còn luôn thực hiện đầy đủ cam kết của quốc tế. Thật tiếc là Mỹ và đồng minh phương Tây không nhận thức được điều này, để từ đó rút ra bài học rằng hợp tác với Nga sẽ giúp đảm bảo an ninh, ổn định tại các điểm nóng xung đột”, ông Avigdor Eskin nói.
Ông Eskin viện dẫn hoạt động chống khủng bố của Nga tại Syria, dẫn tới sự sụp đổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như giảm bạo lực trong khu vực. “Cử chỉ cho thấy thiện chí đối thoại với Nga của Israel được coi là sự công nhận tầm ảnh hưởng và vai trò của Nga tại Trung Đông”.
Tel Aviv rất khôn ngoan khi khi lựa chọn đứng ngoài cuộc, bởi nước này hiểu rằng vụ việc cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc có thể là phép thử trong quan hệ giữa Israel với Mỹ, tuy nhiên nó vẫn chưa đủ sức làm lay chuyển hay rạn nứt liên minh giữa hai bên, còn với Nga sẽ tránh được một cuộc đối đầu không cần thiết.
Trong trường chính trị quốc tế, các liên kết đồng minh chỉ tồn tại cho đến khi nó tạo ra lợi ích cho cả hai bên, đối với Mỹ và Israel, bây giờ càng ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về lợi ích của hai bên so với thời điểm từ nửa thế kỷ trở về trước. Việc Israel thu hẹp bất đồng và gây dựng quan hệ với Moscow được kỳ vọng sẽ làm thay đổi vị thế và vao trò chính trị của Israel tại Trung Đông.
Thêm vào đó, điều này sẽ cung cấp cho Israel sự đảm bảo an ninh ngang tầm với Mỹ, dù sự hỗ trợ về mặt ngoại giao có thể ít hơn. Ngoài ra, Israel cũng kỳ vọng, Nga ít khả năng gây áp lực cho Israel trong việc tiến tới một thỏa thuận hòa bình với Palestine hay gây ra bất kỳ trở ngại nào kể cả khi bạo lực bùng phát giữa Israel và người Palestine./.