Điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ giúp tiết kiệm 17.000 tỷ đồng
UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ. Việc này giúp rút ngắn chiều dài tuyến, tránh được nhiều khu dân cư tập trung. Ngoài ra, các địa phương cũng thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga, tăng hiệu quả sử dụng đất.
Theo phương án mới, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ song hành với đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (phát triển về hướng tây) giúp giảm thiểu việc chia cắt khu dân cư do tuyến đường sắt đi qua, thuận lợi trong quản lý hành lang an toàn, đường gom và an toàn giao thông.
Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương dọc tuyến (ảnh minh họa) |
Đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ bắt đầu từ ga đầu Tân Kiên (TPHCM), tuyến đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
So với phương án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trước đó, phương án mới rút ngắn được 1km, còn 139km; giảm từ 10 xuống còn 9 ga, đoạn tuyến đi trên cầu cạn (và vượt sông) giảm một nửa… Từ đó, giúp giảm chi phí xây dựng và thiết bị được 17.000 tỷ đồng.
Phương án này do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu, đề xuất và nhận được sự thống nhất của các địa phương có tuyến đường sắt này đi qua.
Tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu ước tính khoảng 5 tỷ USD, sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới hiện nay.
Tốc độ thiết kế dưới 200 km/h cho tàu hàng và trên 200 km/h cho tàu khách. Như vậy, khi tuyến đường sắt tốc độ cao này hoàn thành, từ TPHCM đi Cần Thơ chỉ còn khoảng 45 phút.
Theo Viện khoa học - công nghệ Phương Nam, hơn một năm qua, đơn vị đã làm việc với 15 nguồn vốn ngỏ ý hợp tác đầu tư và đã chọn nhà đầu tư Canada là Quỹ Morfund. Hai bên chọn mô hình hợp tác PPP (hợp tác công tư) và đã trình bày với UBND TPHCM.
Mới đây, Viện khoa học – công nghệ Phương Nam đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với quỹ Morfund, quy mô vốn đầu tư là 6,3 tỷ đô la Canada (tương đương 5 tỷ USD, 112.000 tỷ đồng). Đây là cơ sở pháp lý để tiến hành các bước kế tiếp đầu tư tài chính cho dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua.