Chủ tịch Quốc hội: Ai chịu trách nhiệm về 4.000 đường ngang trái phép?
Sáng nay (15/3), Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi).
Đường ngang dân sinh trái phép tràn lan
Báo cáo tại phiên họp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh, trong có 1.511 đường ngang hợp pháp. Về 4.211 lối đi dân sinh, theo quy định Luật Đường sắt, đây là đường ngang trái phép, không được cấp có thẩm quyền cấp và hầu hết không có cảnh báo.
“Thời gian qua, dưới áp lực của các vụ tai nạn giao thông, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cùng các địa phương cố gắng rà soát các điểm đen, tập trung cho người gác tạm thời, chứ không thể lắp đặt cảnh báo được và tiến tới xóa bỏ” – ông Minh nói.
Về vấn đề an toàn giao thông liên quan đường ngang dân sinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ GTVT rà soát trong 5 năm qua xảy ra bao nhiều vụ tai nạn lớn ở giao cắt đường bộ với đường sắt, xảy ra ở nốt giao nào, thuộc trách nhiệm của ai và đã xử lý được tổ chức cá nhân nào, để trên cơ sở đó rà soát lại quy định về trách nhiệm của chính quyền và của ngành đường sắt.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa: Mở đường ngang dân sinh rất tuỳ tiện, nhiều địa phương không nắm được |
Báo cáo thêm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, thời gian qua có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Luật quy định rõ, các tuyến dân sinh do địa phương trực tiếp quản lý, khi có nhu cầu mở đường ngang, Tổng Công ty Đường sắt đều đáp ứng theo đúng quy định chứ không khó khăn gì, nhưng vừa qua mở đường ngang dân sinh rất tuỳ tiện, nhiều địa phương không nắm được.
“Luật cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của địa phương, không thể cứ mở đường ngang dân sinh như thế này nhiều lái tàu rất căng thẳng.
Nhiều địa phương đề xuất làm đường gom rất hợp lý, nhưng đường dân sinh còn tuỳ tiện, có khi cứ cửa nhà người ta người ta cứ đi qua thôi” – ông Trương Quang Nghĩa nêu thực trạng hiện nay.
Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý: “Cần xác định phần nào dân lấn và không lấn đường sắt để đảm bảo quyền lợi của người dân. Dứt khoát đường mới không được lấn dân, phải để dân đi. Về giải pháp anh phải làm khác mức hoặc đường gom nhưng phải gần, không như ở cao tốc Nhật Tân đi Nội Bài người ta nói trước đây dắt trâu thẳng ra đồng còn bây giờ phải đi vòng mấy cây số”.
“Luật phải nghiêm chứ ta cứ nghiêm cấm nhưng có xử được ai đâu! Hơn 4.000 đường ngang trái phép mà không có chế tài nghiêm thì khó xử lý được” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến và nhấn mạnh luật phải quy định không chỉ gắn với trách nhiệm của ngành giao thông mà của cả địa phương có đường sắt đi qua.
“Nơi nào để mở đường dân sinh trái phép, tức là vi phạm pháp luật, rồi để xảy ra tai nạn thì phải xem xét trách nhiệm. Luật phải nghiêm, nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện. Còn thực sự phải mở thì Nhà nước đầu tư” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chính sách đột phá cho đường sắt
Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng Dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ quyết liệt phát triển công nghiệp đường sắt một nền công nghiệp đã được đầu tư vào loại hiện đại nhất Đông Nam Á vào những năm 1970-1980, nay trở nên tụt hậu rất xa; cần phát triển từng loại hình đường sắt trong hệ thống GTVT nhằm kiến tạo nên một hệ thống GTVT đường sắt đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả, ít tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã rà soát, chỉnh sửa theo hướng quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt được phê duyệt cùng nhữ khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần có chính sách đột phá cho ngành đường sắt |
Cho rằng đây là cơ hội để ngành đường sắt phát triển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Luật này ra đời phải giải quyết được bất cập cho ngành giao thông đường sắt và sự phát triển của ngành, phải tạo ra bước đột phá mới về chính sách pháp luật để đường sắt trong 5 đến 10 năm tới trở thành một trong những hình thức giao thông chủ đạo.
“Xác định như thế thì đầu tư phải thay đổi, từ đầu tư trung hạn giai đoạn này chứ không phải đợi 5 năm nữa” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, vì thời gian qua mức đầu tư dành cho đường sắt là rất thấp.
Tuy nhiên, liên quan đến quy định về ưu đãi, hỗ trợ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định dẫn chứng nhiều luật đã và đang trình đều đề cập đến chính sách đặc thù, ưu đãi từ đất đai đến tín dụng, thuế, đòi hỏi nguồn ngân sách bỏ ra rất lớn.
“Như thế tư tưởng bao cấp lại bắt đầu quay lại, trong khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hay luật thuế đã có rồi. Thậm chí trong các luật kia còn quy định rộng hơn về các loại ưu đãi, trong khi các luật này lại quay lại quy định cụ thể. Do đó cần tính thêm nếu không sẽ chồng chéo” – ông Định phân tích và đề nghị chính sách ưu đãi gì thì phải nói rõ.
Các ý kiến trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật và có thể dẫn chiếu những chính sách ưu đãi cao nhất ở các luật liên quan nhằm thúc đẩy ngành đường sắt phát triển xứng tầm./.