Theo quan niệm truyền thống, Di chúc là văn bản nói lên những việc phải làm, những lợi ích mà người chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng xác định cho con cháu, cho đời sau. Là người sáng lập Đảng và đồng thời là lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến khi viết Di chúc trong những năm 60 thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc trên tinh thần truyền thống ấy mà trọng tâm là những căn dặn của Người chủ yếu giành cho Đảng ta về những việc Đảng phải làm để thực hiện được mục tiêu vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.
Ngoài việc căn dặn Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam thì Bác Hồ còn lo lắng về phong trào cộng sản thế giới. Người viết: “Về phong trào cộng sản thế giới - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!”
Người bày tỏ qua di chúc: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.
Ngay từ khi chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930 tại Hương Cảng – Trung Quốc), Người đã xác định rất rõ nhiệm vụ quốc tế của cách mạng Việt Nam “là một bộ phận khăng khít của các Đảng Cộng sản trên thế giới”. Vì thế, trong suốt hành trình đấu tranh tìm đường cứu nước, Người không chỉ phấn đấu giành độc lập cho dân tộc mình, giành tự do cho nhân dân mình mà còn vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Thực tế đã chứng mình, thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã cổ vũ và góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới. Người đã thực sự là chiến sỹ cách mạng kiên cường, là ngọn cờ đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Cảm phục về Hồ Chí Minh, báo Quyền lợi đỏ (Praha, Tiệp Khắc cũ), ngày 9-9-1989, có bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: "Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình".
“Mong muốn của Người về vấn đề đoàn kết quốc tế thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản của Người. Tâm nguyện đó đã soi đường cho đất nước trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam” hành động cho Đảng và nhân dân trong những chặng đường lịch sử tiếp theo. Ngay việc Đảng ta vững vàng và phát triển trong bối cảnh khủng hoảng của phong trào cộng sản quốc tế và hiện nay đã trở thành chỗ dựa vô giá cho các phong trào cộng sản, phong trào cộng sản trên thế giới”.-TS Chu Đức Tính- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận định.
Hình ảnh Bác Hồ và thiếu nhi Liên Xô được chụp vào tháng 8/1957 (Ảnh tư liệu)
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, thủy chung, làm hết sức mình để góp phần quan trọng xây dựng tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, tăng cường xây dựng và phát triển các quan hệ quốc tế trong tình hình mới, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta đã đề ra và thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại "độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
Bản di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong 5 năm, đó là giai đoạn Người còn mạnh khỏe, minh mẫn. Trong 5 năm ấy, Bác để lại có 10 trang viết. Trong 10 trang đó, thấy Bác không quên một đối tượng nào, một vấn đề nào. Đó như một bản tổng kết thực tiễn, đồng thời cũng định hướng tương lai, như một cẩm nang của chúng ta trong quá trình phát triển đất nước.
“Chiều sâu của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc chính là Người đã chọn ra vấn đề cốt lõi trong hành loạt vấn đề cần giải quyết và đã chỉ ra phương pháp giải quyết tối ưu để đưa tới sự chuyển biến có tính cách mạng sâu sắc đối với hiện thực khách quan luôn vận động, biến đổi. Đó là phong cách tư duy và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ngày nay chúng ta cần học tập” - PGS,TS. Phạm Hồng Chương (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) đánh giá./.