Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về ý nghĩa và những giá trị to lớn của bản Di chúc.
Lời căn dặn của Bác để lại cho thế hệ mai sau
PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá về giá trị thời đại của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
GS.TS Vũ Văn Hiền: So với tất cả những di sản văn hóa mà ông cha ta để lại, thì bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một di sản vô cùng là quý báu. Đây không phải là những áng văn chương, bản hùng ca như Hịch tướng sĩ hay Bình ngô đại cáo, thế nhưng bản Di chúc có giá trị rất vĩnh hằng. Điều này biểu hiện ở chỗ đây là chúc thư, lời dặn của Bác để lại cho đất nước chúng ta, cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là đối với Đảng, đối với nhân dân.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền
Tầm thời đại của bản Di chúc ở chỗ: Bác luôn coi nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đối với dân tộc, đất nước chúng ta là công tác xây dựng Đảng. Nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng chính là làm sao để xây dựng được đất nước trước hết là nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh và đất nước ta phát triển.
Cho nên bản Di chúc để mãi mãi cho chúng ta về sau ý tưởng của Bác về một đất nước hòa bình, độc lập; một xã hội rất dân chủ, văn minh và tiến bộ. Người lãnh đạo để đảm bảo cho sự nghiệp đó chính là Đảng ta. Cho nên bản Di chúc trước hết nói về Đảng chính là điều đó và giá trị trường tồn cũng như ý nghĩa thời đại, thời sự đối với hiện nay của bản Di chúc cũng chính là điều đó.
Đảng đã thực hiện rất nghiêm túc những chỉ dạy của Bác
PV: Thưa Giáo sư, suốt 45 năm qua, Đảng ta đã vận dụng Di chúc của Bác như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước đổi mới hiện nay?
GS.TS Vũ Văn Hiền: Trong Di chúc Bác nhắc rất nhiều điều, trước hết về Đảng, sau đó Bác quan tâm đến thanh niên, các cụ phụ lão, nông dân, đồng bào Nam - Bắc, cả sự nghiệp đoàn kết quốc tế. Điều mà Đảng học tập và làm theo Di chúc Bác chính là việc Đảng ta đã phát động đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Việc học tập như vậy đã bắt nhịp được ý nguyện, cũng như tấm lòng của dân với Bác Hồ. Và tự hào thay Việt Nam ta có Bác Hồ, một tấm gương mẫu mực đến mức không một vết rạn để chúng ta có thể học tập, làm theo được. Từng lời chỉ dẫn của Bác, Đảng ta thực hiện rất nghiêm túc và theo ý của Bác về xây dựng Đảng thì Đảng đã đưa ra rất nhiều nghị quyết để đổi mới, chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đã nghiêm túc xem lại lời dạy của Bác là mỗi Đảng viên, kể cả người lãnh đạo - là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng ta rất chú trọng điểm này. Nghĩa là rèn luyện cán bộ Đảng viên và dám nhìn thẳng sự thật, phân tích đúng tình hình cán bộ Đảng viên hiện nay; đã xác định và nói rõ cho cả nhân dân biết là một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên đã hư hỏng, biến chất và suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống.
Từ việc nhận thức đúng như vậy, Đảng ta kiên quyết đổi mới, chỉnh đốn để làm cho bộ máy trong sạch, làm cho Đảng thực sự là Đảng tiền phong, gương mẫu, trí tuệ, để lãnh đạo toàn dân thực hiện nhiệm vụ. Điều quan trọng nữa là đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã khái quát, hoàn thành, xây dựng được mục tiêu lâu dài của đất nước chúng ta, xây dựng chủ nghĩa xã hội “rất là Bác Hồ”, rất gần gũi đó là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là mục tiêu rất cao đẹp, dựa theo những ý tưởng của Bác; rất mộc mạc, xác thực, không văn hoa, không sáo rỗng.
PV: Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như bản Di chúc của Bác, thì các tầng lớp xã hội, nhân dân nên cụ thể hóa vào hoạt động cụ thể của mình như thế nào, thưa Giáo sư?
GS.TS Vũ Văn Hiền: Tất cả các thành phần, giai tầng, cũng như các tổ chức chính trị xã hội đều có những công việc của mình. Học theo Bác, làm theo Bác chính là học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, những tư tưởng chỉ đạo của Bác và làm tốt nhiệm vụ của mình.
Trong toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta thì mỗi người có một chức phận và tạo thành một “bản hợp ca”, một “dàn đồng ca” rất tuyệt vời của cả nước; có người chỉ huy, có người bè cao, bè thấp, bè trầm… tạo thành một dàn hợp xướng mạnh mẽ của toàn dân tộc. Trong dàn đồng ca đó, mỗi thành phần, lực lượng, mỗi người đều có vị trí của mình.
Cho nên nói học tập Di chúc của Bác, làm theo Di chúc của Bác chính là xác định được nhiệm vụ của mình, đứng trong đội ngũ nào, đứng trong vị trí nào và làm tốt vị trí ấy.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.
Theo VOV