Đánh chia cắt chiến lược và phối hợp, hiệp đồng tác chiến chiến dịch
Đầu tháng 12-1953, phát hiện thấy chủ lực ta tiến sang Trung Lào, quân Pháp vội vàng điều động 2 binh đoàn cơ động số 2 và số 3, gồm 6 tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh từ Bắc Bộ sang tăng cường, cùng với các tiểu đoàn đóng ở Trung Lào hòng bịt các cửa ngõ vào Trung Lào của quân ta. Địch bố trí thành 3 cụm quân, gồm: Cụm A ở khu vực Na Pê, Cam Cốt, Lạc Sao trên đường số 8; Cụm B ở Ba Na Phào, Nhom Ma Rát trên đường 12; Cụm C ở Nậm The làm lực lượng dự bị. Các đơn vị Âu-Phi được điều sang Trung Lào lần này là những đơn vị từng trải trên chiến trường miền Trung, nên chúng rất thiện chiến, thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân thăm dò, thọc sâu vào các vùng căn cứ du kích Trung Lào và biên giới Việt Nam-Lào để phát hiện chủ lực của ta.
Chiến dịch Trung-Hạ Lào bắt đầu từ ngày 21-12-1953. Ta sử dụng các đơn vị thuộc Đại đoàn 304, Đại đoàn 325, cùng các đơn vị tình nguyện của Liên khu 4, Liên khu 5 và một số đơn vị Pa-thét Lào tiến công địch. Hướng tiến công chủ yếu do Trung đoàn 66 (Đại đoàn 304) và Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325) đảm nhiệm đánh địch phòng ngự trên đường 12 và phát triển tiến công về Nhom Ma Rát, giải phóng phía đông tỉnh Khăm Muộn. Hướng tiến công thứ yếu của chiến dịch đánh vào Na Pê, Lạc Sao, Cam Cốt, sau đó phát triển theo trục đường số 8 đánh xuống đường số 12. Tiểu đoàn 436 (Trung đoàn 101), được tăng cường thêm quân số và chỉ huy, thọc sâu chiến dịch xuống Hạ Lào tạo bàn đạp cho lực lượng lớn của ta phát triển xuống phía Nam. Trung đoàn 18 (thiếu Tiểu đoàn 274), giai đoạn đầu phối hợp với lực lượng vũ trang Bình-Trị-Thiên cắt đường số 9 không cho địch cơ động lực lượng theo đường bộ lên ứng cứu, sau đó theo đường 9 phát triển sang đánh địch ở Trung-Hạ Lào. Trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, ngoài việc bảo đảm của trên, trực tiếp của các đơn vị, còn có Liên khu 4 tổ chức dân công, bảo đảm hậu phương chiến dịch; phối hợp với các cơ sở cách mạng Lào động viên nhân dân phục vụ chiến trường.
Bộ đội Việt Nam và Pa-thét Lào sau chiến thắng chiến dịch Trung-Hạ Lào tháng 5-1954. |
Qua nhiều đợt tiến công, đến tháng 5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung Lào-Hạ Lào kết thúc. Thắng lợi quan trọng của Chiến dịch Trung-Hạ Lào không chỉ tiêu diệt bộ phận lớn sinh lực địch và giải phóng đất đai, mà còn thực hiện tốt yêu cầu chiến lược là buộc Na-va phải tiếp tục phân tán khối cơ động chủ lực trên chiến trường chính Bắc Bộ, nhất là hướng chính Điện Biên Phủ. Ở Trung Lào, ta đã mở rộng vùng giải phóng của bạn từ nam, bắc đường 9 xuống đến đông Xa-vẳn-na-khệt, vô hiệu hóa đường số 12, cắt đứt đường số 9, buộc địch phải ở trong tình thế “Đông Dương bị cắt làm đôi”. Ở Hạ Lào và đông bắc Cam-pu-chia, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền các căn cứ du kích đông, đông bắc Cam-pu-chia với vùng giải phóng Hạ Lào, góp phần thực hiện chủ trương đánh thông hành lang chiến lược nam bắc Đông Dương, sau đó tiếp tục kìm chân một bộ phận lực lượng cơ động của địch sau Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Trung-Hạ Lào đã có bước phát triển mạnh mẽ về nghệ thuật quân sự. Trước hết, ta đã chọn đúng nơi địch yếu và sơ hở để mở chiến dịch tiến công, quan trọng hơn là ta đã liên tục thọc sâu xuống phía nam, đánh vào “hậu phương an toàn” của địch, từng bước làm đảo lộn thế phòng thủ của chúng ở khu vực này. Mở Chiến dịch Trung-Hạ Lào và không ngừng phát triển xuống phía nam, ta đã ngày càng khoét sâu điểm yếu cơ bản của địch là mâu thuẫn giữa chiến trường rộng với binh lực hạn chế; giữa tập trung binh lực trên chiến trường chính với đối phó với nhiều hướng tiến công của ta. Mũi thọc sâu chiến dịch ở Hạ Lào-đông bắc Cam-pu-chia của ta là bất ngờ lớn đối với địch. Chúng cho rằng ta không có đủ sức vượt qua “tuyến cấm” (đường số 12) và lá chắn Sê Nô để phát triển tiến công. Từ bất ngờ ban đầu ở Trung Lào, tiếp đến ở Hạ Lào và cuối cùng là đông bắc Cam-pu-chia, địch phải liên tiếp điều lực lượng từ các chiến trường nhất là từ miền Bắc đến để đối phó, nhưng cũng không hạn chế được nhịp độ phát triển nhanh và ngày một sâu xuống phía nam của ta.
Về cách đánh chiến dịch, ngay từ đầu cũng như trong quá trình phát triển chiến dịch, ta đã liên tiếp triển khai thế trận chia cắt địch. Lực lượng ta đã chia cắt địch trên các đường chiến lược số 12, số 9 và số 13 và trên từng khu vực, từng địa bàn. Với lực lượng ít hơn địch, song ta đã từng bước chuyển hướng tiến công, đánh vào những vùng quan trọng về chiến lược, nhưng mỏng yếu của địch, nhằm chia cắt địch, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của chúng, mở rộng vùng giải phóng và thực hiện yêu cầu chiến lược thu hút, phân tán chủ lực địch. Trong thực hành chiến dịch, ta đã rất linh hoạt trong đánh điểm, diệt viện và truy kích địch. Ta đã chọn các mục tiêu vừa sức nhưng lại có vị thế quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, tạo nên sự chấn động lớn, buộc chúng phải ứng cứu giải tỏa để ta đánh địch ngoài công sự hoặc tạo thuận lợi uy hiếp tiến công các mục tiêu chính. Khi địch rút chạy, mặc dù địa hình không quen thuộc, nhưng bộ đội ta đã biết dựa vào bạn, khẩn trương nhanh chóng, quyết tâm truy kích địch đến cùng.
Một nét nổi bật trong Chiến dịch Trung-Hạ Lào là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cánh, các hướng; giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn. Đó là sự hiệp đồng chiến đấu với ý thức chủ động rất cao giữa các lực lượng thuộc các đơn vị khác nhau trên một địa bàn chiến dịch rộng lớn, kéo dài từ Trung Lào đến đông bắc Cam-pu-chia. Sự phối hợp hành động của nhiều lực lượng trên một phạm vi rộng trong Chiến dịch Trung-Hạ Lào, chứng tỏ trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng cấp chiến dịch của ta có bước phát triển quan trọng.
Theo QĐND