Đánh chắc thắng - tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng của Bác Hồ
“Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” là tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng của Bác Hồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn nữa, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác trước lúc lên đường ra mặt trận là: Ở xa khi có vấn đề quan trọng cấp thiết khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị…, thì Bác đã nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”.
Tư tưởng “phải đánh chắc thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” của Bác đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận dụng khi hạ quyết tâm tấn công vào Điện Biên Phủ. Như nhiều tài liệu đã viết: Thời gian đầu, khi địch mới đổ bộ xuống Điện Biên Phủ khoảng 6 tiểu đoàn, công sự phần lớn còn dã chiến, thì cơ quan Tham mưu Tiền phương đã chuẩn bị phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng trong quá trình ta chuẩn bị tấn công thì địch đã gấp rút tăng cường lực lượng lên tới hơn 12 tiểu đoàn, thêm cả pháo binh và xe tăng, ra sức củng cố công sự kiên cố... Trước tình hình đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ là “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” nên đã thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đảng ủy chiến dịch đã thảo luận và thống nhất với phương châm này. Chính tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ đã tạo nên sự nhất trí trong Đảng ủy chiến dịch và các cấp chỉ huy các đơn vị
Dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Cũng theo tư tưởng “phải đánh chắc thắng”, để bảo đảm cho các cuộc tấn công đánh chắc, tiến chắc, ít thương vong nên Bộ chỉ huy chiến dịch đã chủ trương tiến hành đào các trận địa gồm giao thông hào và chiến hào tiến dần vào các cứ điểm của địch để làm bàn đạp tấn công. Các đơn vị bộ đội đã chấp hành nghiêm túc; ngày đêm tiến hành đào trận địa, mặc dù địch tăng cường máy bay ném bom bắn phá và tung các toán quân ra san lấp. Kết quả quân ta đã đào tổng cộng hơn 200 cây số giao thông hào và chiến hào để hình thành một hệ thống được ví như chiếc thòng lọng bao vây từng cứ điểm, rồi cả tập đoàn cứ điểm của địch.
Cũng để thực hiện tư tưởng “phải đánh chắc thắng" và phương châm “đánh chắc, tiến chắc” mà pháo binh cùng với pháo phòng không của ta đã vào trận địa nhưng lại phải kéo ra để tránh bị lộ. Sau đó đến gần thời gian tấn công mới đưa pháo vào bố trí tại các trận địa kiên cố, có ngụy trang cẩn thận và có cả trận địa giả để nghi binh.
Cũng theo tư tưởng “phải đánh chắc thắng” và phương châm “đánh chắc, tiến chắc” mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định tiến hành tấn công địch từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận, rồi mới Tổng công kích. Trước hết tiến hành tiêu diệt các đơn vị bảo vệ vòng ngoài của tập đoàn cứ điểm. Cụ thể là đánh các cứ điểm Him Lam, Độc Lập trước, uy hiếp buộc địch phải rút khỏi Bản Kéo. Kết quả của đợt tấn công lần thứ nhất này ta đã tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm bảo vệ vòng ngoài của địch, tạo điều kiện mở cửa để tấn công vào trong. Sau đó từng bước tiến hành các đợt tấn công lần thứ 2, rồi lần thứ 3; cuối cùng là Tổng công kích kết thúc chiến dịch thắng lợi.
Cũng để bảo đảm thực hiện được phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thắng lợi mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã phát huy các loại pháo từ 75mm đến 105mm cùng các đơn vị súng DKZ để kiềm chế và phá hủy pháo binh của địch. Đối với không quân của địch, quân ta dùng pháo cao xạ và các súng cao xạ để tiêu diệt các máy bay tiếp tế hoặc tăng viện quân cho tập đoàn cứ điểm. Đồng thời quân ta thực hiện việc khống chế sân bay, rồi dùng các đơn vị đánh cắt đứt sân bay, không cho địch có thể sử dụng lại sân bay được. Kết quả là những điểm mạnh của địch như pháo binh và không quân bị thiệt hại nặng nề và bị vô hiệu hóa.
Cũng để thực hiện quyết tâm “phải đánh chắc thắng” cho nên sau khi đánh các cứ điểm A1, C, trong thời gian đầu chỉ mới chiếm được một phần, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ thị cho các đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng lại, đào cả đường hầm xuyên núi lên Đồi A1, sau đó mới kết hợp xung lực và hỏa lực tấn công bằng nhiều mũi. Kết quả là ta đã tiêu diệt hoàn toàn những cứ điểm này, tạo ra thế áp đảo mới đối với toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Như vậy, tư tưởng của Bác Hồ “Phải đánh chắc thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” đã được Bộ chỉ huy chiến dịch quán triệt thành phương châm “đánh chắc, tiến chắc” một cách rất sáng tạo, lại được cán bộ, chiến sĩ chấp hành một cách dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, với những biện pháp hết sức thông minh, làm địch bất ngờ, không tài nào phán đoán được. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
“Đánh chắc, tiến chắc” là một trong những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cách đánh độc đáo này đã góp phần tạo ra thế chuyển hóa lực lượng làm cho địch suy yếu, tạo lợi thế cho ta, làm chuyển hóa căn bản thế so sánh lực lượng. Bộ đội ta tuy thô sơ về vũ khí, chưa được đào tạo chính quy, chiến đấu trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ phát huy tốt tinh thần và khả năng tác chiến nên đã tạo ra sức mạnh áp đảo trước kẻ thù, góp phần quyết định thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay, bài học này vẫn còn nguyên giá trị.
Theo QĐND