Đàm phán Mỹ-Triều Tiên: “cơ hội” hay “cuộc đua làm chủ”?
Phái đoàn quan chức cấp cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã trở về nước sau 3 ngày công du và tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc. Những cử chỉ đầy thiện chí giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, dù chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng đủ tạo ra kỳ vọng về một sự nồng ấm hơn trên bán đảo Triều Tiên. Sự kỳ vọng này càng được thổi lửa với tuyên bố ngày hôm qua của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Mỹ sẵn sàng đàm phán và thời điểm là do Triều Tiên quyết định.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN. |
Phát biểu trong chuyến thăm Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 12/2 tuyên bố, tùy thuộc vào Triều Tiên quyết định thời điểm nước này sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận thẳng thắn với Mỹ, dù không quên nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu một tiến trình ngoại giao có thể bắt đầu hay không. Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí tiếp tục mặt trận ngoại giao với Bình Nhưỡng, để ngỏ khả năng tiến tới đàm phán trực tiếp Mỹ- Triều mà không cần điều kiện tiên quyết.
“Chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ khả năng nào. Mỹ sẽ luôn tìn kiếm hòa bình. Song mọi lựa chọn vẫn luôn trên bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên cho đến khi nước này từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói.
Những phát biểu này của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang lên kế hoạch triển khai những nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo cuộc đối thoại liên Triều có thể dẫn đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như các hình thức đối thoại khác nhau nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, với một nhà lãnh đạo thích sự nổi trội như Tổng thống Mỹ Donald Trump thì điều này là hoàn toàn dễ hiểu.
Một điều không khó nhận ra là dù không tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang , nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại là nhân vật được truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều nhất, ngay cả trước khi sự kiện thể thao này khai mạc hôm 9/2 vừa qua. Trong khi đó, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, dù là khách mời danh dự trên khán đài trong buổi lễ khai mạc, nhưng lại không thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và Hàn Quốc.
Mọi ống kính máy quay đều tập trung vào từng cử chỉ của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay hình ảnh đoàn vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất. Tại Washington, truyền thông Mỹ thậm chí còn bình luận: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-un đoạt huy chương vàng tại Pyeongchang”.
Dù trên thực tế những động thái ngoại giao ngoạn mục liên tiếp diễn ra trong 3 ngày qua tại Pyeongchang đã được cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên chuẩn bị rất kỹ từ lâu trước đó, song rõ ràng, những cảnh báo, những tuyên bố từ Washington đã không còn được chú ý như trước đây.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, việc các quan chức Mỹ liên tiếp những ngày qua có các phát biểu đề cập khả năng đàm phán cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump giành lại thế chủ động, cũng như trở lại vị trí trung tâm trong hồ sơ quốc tế gai góc này.
Song liệu điều này có giúp tạo ra đột phá trong nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như cuộc khủng hoảng quốc tế liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hay không? Câu trả lời lại khá mơ hồ. Bởi trên thực tế, việc các quan chức chính quyền Mỹ và Tổng thống Donald Trump có những tuyên bố trái chiều là điều không hề hiếm, trong đó có cả vấn đề Triều Tiên.
Hơn nữa, đến nay Mỹ vẫn một mực yêu cầu Triều Tiên phải có những biện pháp cụ thể, tỏ rõ thiện chí từ bỏ tham vọng hạt nhân, xem đây là một điều kiện tiên quyết cho mọi kế hoạch đàm phán. Và một điều chắc chắn là Mỹ sẽ không chấp nhận việc trở thành bên “bị động” trong cuộc chiến “cân não” với Triều Tiên.
Dẫu vậy, những cử chỉ thiện chí của Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như những tuyên bố có phần “xuống nước” của Mỹ về một mặt nào đó đã góp phần làm dịu bầu không khí lúc nào cũng trong tình trạng “quá nóng” trên bán đảo Triều Tiên, mở ra cơ hội hiếm hoi cho hòa bình tại Đông Bắc Á./.